Trung tuần tháng 5, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai trở lại bản Pạ Lò, xã Cà Nàng. Nằm ngay bên hồ sông Đà, sau cơn mưa đầu mùa, những cánh rừng trải dài khắp các sườn đồi như được thay màu xanh tươi mới. Nhiều năm qua, ở bản không còn đất trống, đồi trọc, Pạ Lò trở thành điểm sáng của huyện Quỳnh Nhai về bảo vệ, PCCCR, phát triển mô hình kinh tế dưới tán rừng và quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pạ Lò Lường Văn Chum thông tin: Bản có 145 hộ đồng bào dân tộc Thái, mặc dù không thuộc diện di dân TĐC thủy điện Sơn La, nhưng Pạ Lò cũng phải sắp xếp lại dân cư, cơ cấu lại sản xuất. Cùng với triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước, bản đã tuyên truyền, vận động bà con khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tập trung thâm canh 24,5 ha ruộng lúa 2 vụ, 60 ha sắn và hơn 2 ha cây ăn quả chất lượng cao, chăn nuôi 465 con trâu, bò và nuôi 40 lồng cá trên hồ sông Đà. Hiện nay, cả bản chỉ còn 10 hộ nghèo.
Kinh tế ổn định, từ nhiều năm qua, ở bản không còn tình trạng phá rừng làm nương, toàn bộ 1.779 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất được giao cho cộng đồng bản quản lý. Gần 15 năm qua, mỗi năm bản được chi trả từ 300 đến hơn 1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn kinh phí hết sức quan trọng, không những tạo thêm sinh kế từ nghề rừng, mà còn giúp bản có điều kiện xây dựng các công trình phục vụ đời sống và sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm trước đây, khi chưa có quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, hằng năm, Ban quản lý bản thực hiện chi theo hương ước. Từ năm 2018 đến nay, các khoản chi được thực hiện theo quy chế có sự giám sát của chính quyền xã, Hạt Kiểm lâm huyện và Chi nhánh Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai. Năm 2023, xã Cà Nàng được chi trả hơn 4 tỷ 358 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng; trong đó bản Pạ Lò được hơn 1,1 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, bản đã trích 20% chi cho hoạt động bảo vệ rừng; trong đó, 6% để huy động nhân dân tham gia chữa cháy rừng, nhưng chưa năm nào phải dùng đến số tiền trên. Còn 80% hỗ trợ sinh kế cho tất cả các hộ trong bản, trung bình mỗi hộ được 7-9 triệu đồng, nên đã khuyến khích bà con tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Thanh An, Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện, cho biết: Mặc dù diện tích rừng rất lớn, nhưng được giao cho một chủ rừng duy nhất là cộng đồng bản, nên việc quản lý, bảo vệ có nhiều thuận lợi, diện tích rừng luôn ổn định, chất lượng rừng được nâng lên. Bên cạnh đó, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên phối hợp với Ban quản lý bản hướng dẫn xây dựng, bổ sung hương ước, quy ước của bản và tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, PCCCR. Nhiều năm qua, ở bản không có vi phạm, mọi hoạt động có tác động đến rừng đều được bà con thực hiện theo hương ước, quy ước của bản và Luật Lâm nghiệp.
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lường Văn Chum cùng tổ bảo vệ rừng dẫn chúng tôi ngược sườn đồi, theo con đường mòn vào khu rừng tái sinh được khoanh nuôi, bảo vệ xanh tốt. Nhưng điều bất ngờ là ngay dưới tán hàng chục hecta rừng, đều được phủ kín bởi những loại cây dược liệu. Đây là mô hình kinh tế dưới tán rừng đang được xã Cà Nàng quan tâm tạo điều kiện phát triển và triển khai rộng ra các bản.
Bà Hoàng Thị Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Nàng, chia sẻ: Nhằm khai thác tối đa lợi ích của rừng mang lại, năm 2022, bản Pạ Lò đã thành lập HTX Nhân Thuận chuyên trồng cây dược liệu dưới tán rừng với 11 thành viên. Hiện nay, HTX đã trồng hơn 20 ha và liên kết với bà con trồng hơn 30 ha cây khôi nhung và thiên niên kiện. Đây là những loại cây dược liệu có nguồn gốc tự nhiên, ưa độ ẩm, chi phí giống và phân bón ít, rất phù hợp trồng dưới tán rừng. Tham gia trồng cây dược liệu, bà con không phải lo đầu ra, theo tính toán của HTX, từ năm thứ 4 trở đi, mỗi ha cho thu hoạch 30-35 tấn củ tươi/ha, HTX thu mua với giá 40-45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha thu về hơn 100 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng sẽ mở rộng thêm 76 ha ở 4/7 bản của xã.
Chia tay bà con bản Pạ Lò, chúng tôi hiểu điều còn trăn trở của Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lường Văn Chum, khi ở bản vẫn còn 10 hộ nghèo. Anh Chum bảo, bản đang tiếp tục khai thác tối đa lợi thế, quyết tâm giữ vững màu xanh của những cánh rừng, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế rừng và nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện, từng bước xóa nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!