Hiện nay, toàn tỉnh có 41.084 người khuyết tật, trong đó, 40.571 người khuyết tật tại cộng đồng; 342 người khuyết tật được nhận nuôi dưỡng tại cộng đồng. Đa số người khuyết tật đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất là những người khuyết tật đặc biệt nặng. Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh là "cầu nối", giúp nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi cải thiện đời sống, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Bà Lường Thị Phưa, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh, cho biết: Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, các cấp hội trong tỉnh đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng Quỹ bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi. Thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp người khuyết tật... Động viên kịp thời những gương điển hình người khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, nâng cao nhận thức và sự chia sẻ của cộng đồng với người khuyết tật.
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã kêu gọi, vận động được tổng số tiền mặt và hàng hóa trị giá hơn 2,2 tỷ đồng; phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động bảo trợ cho trên 20.500 lượt người khuyết tật. Trong đó, Hội đã kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà trên 8.700 người khuyết tật, trị giá 2,7 tỷ đồng.
Phối hợp tặng 42 xe lăn, 4.314 thẻ bảo hiểm y tế; tổ chức các chương trình khám, phát thuốc cho trên 1.500 người; hỗ trợ trên 200 triệu kinh phí phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng cho 62 đối tượng người khuyết tật vận động, phẫu thuật dị tật hàm ếch, mổ tim. Đồng thời, phối hợp xây mới 3 công trình nhà vệ sinh, 3 công trình nước sinh hoạt, xây, sửa chữa 59 nhà “mái ấm tình thương”, “nhà đại đoàn kết”.
Ngoài ra, còn hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, cây giống, con giống, phương tiện dụng cụ sản xuất cho 44 hộ có người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo. Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức giải thể thao người khuyết tật tỉnh Sơn La năm 2023, tạo cơ hội cho người khuyết tật được giao lưu, xóa bỏ tự ti, mặc cảm để hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.
Gia đình bà Lý Thị Sâu, bản Buôm Khoang, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, thuộc diện hộ nghèo. Chồng bà Sâu mất sớm, mặc dù sức khỏe yếu nhưng bà vẫn cố gắng nuôi các con ăn học. Ngôi nhà tạm là chỗ che mưa, che nắng cho 3 mẹ con. Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Mai Sơn đã kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 120 triệu đồng xây nhà ở cho gia đình bà.
Bà Sâu tâm sự: Bây giờ, gia đình tôi đã có nơi ở kiên cố. Tôi sẽ cố gắng cho các con đi học, không phải bỏ học giữa chừng.
Còn anh Đỗ Văn Hiền ở tổ 3, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, sức khoẻ yếu, đôi chân teo dần nên việc đi lại khó khăn. Vượt lên số phận, anh quyết tâm học tập với mong muốn có một công việc ổn định để nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.
Anh Hiền chia sẻ: Tôi đã theo học lớp sửa chữa đồ điện tử ở Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại Hà Nội xin học nghề tại các cơ sở sửa chữa đồ điện tử để học thêm kinh nghiệm. Năm 2013, trở về địa phương, cùng với vốn tích lũy, tôi mở cửa hàng sửa chữa tại gia đình. Ngoài ra, tôi còn kinh doanh mật ong rừng để tăng thu nhập. Trung bình mỗi tháng, tôi có thu nhập từ 4-5 triệu đồng. Cùng với khoản trợ cấp xã hội thường xuyên 540.000 đồng, cùng với gia đình ổn định cuộc sống.
Với sự cảm thông sâu sắc của toàn xã hội và sự nhiệt tình của cán bộ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi các cấp, đã phần nào bù đắp những thiệt thòi cho những người khuyết tật và những đối tượng yếu thế trong tỉnh ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!