Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang có hơn 2.000 đoàn viên. Triển khai thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giao, Công đoàn ngành đã xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn các công đoàn cơ sở phát động nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, hành động của đoàn viên, CNVCLĐ với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, mô hình thi đua lao động sản xuất giỏi được các CĐCS phối hợp với chuyên môn và các đoàn thể đồng cấp tổ chức ký giao ước thi đua hoàn thành các chi tiêu sản xuất, kinh doanh của từng năm. Mô hình có tác dụng động viên, khuyến khích đoàn viên, người lao động trong các đơn vị hăng hái lao động sản xuất, là tiêu chuẩn để biểu dương, khen thưởng cán bộ, đoàn viên vào dịp sơ kết 6 tháng và tổng kết năm. Tiêu biểu như các mô hình: “Ka Công đoàn” thi đua với “Ka thanh niên” của CĐCS Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve, tiêu chí đánh giá kết quả thi đua là sau mỗi ca làm việc, đoàn thể nào sẽ mang lại nhiều sản phẩm hơn; mô hình “Vườn cây Công đoàn” của CĐCS Công ty Lâm nghiệp Phù Yên thi đua giữa các tổ công đoàn trong việc trồng và chăm sóc vườn cây xanh, đẹp, để mang lại hiệu quả kinh tế thu nhập thêm cho đoàn viên; mô hình “An toàn để sản xuất” giữa các bộ phận vận hành máy móc của CĐCS Công ty cổ phần Mía đường Sơn La thi đua thực hiện các giải pháp nâng cao công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình vận hành máy móc để không xảy ra thiệt hại về người và tài sản...
Chị Nguyễn Thị Yên, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Ban Chấp hành đã tham mưu, phối hợp với Ban Tổng giám đốc Công ty triển khai nhiều hoạt động, như thường xuyên rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật lao động và phòng, chống cháy, nổ tại các bộ phận, phân xưởng; kiểm tra, rà soát quy định về môi trường, thực hiện quan trắc môi trường đối với không khí, nước thải so sánh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để đảm bảo môi trường lao động an toàn... Qua mỗi cuộc kiểm tra, tự đánh giá và khắc phục những yếu tố nguy hiểm, có hại để đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Trong khối hành chính sự nghiệp triển khai và hỗ trợ người dân làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu là mô hình nông nghiệp theo hướng dinh dưỡng sản xuất rau kết hợp nuôi gà an toàn sinh học của CĐCS Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản; mô hình nhà sấy nông sản sử dụng năng lượng mặt trời của CĐCS Trung tâm Khuyến nông; mô hình trồng thâm canh cây ăn quả có múi an toàn của CĐCS Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật... các mô hình đã trải qua 3 năm thực hiện, bước đầu cho sản phẩm thu hoạch và được đánh giá mang lại hiệu quả cao.
Nhằm nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ đoàn viên, người lao động, là chỗ dựa đáng tin cậy của người lao động. Từ năm 2021, Ban Thường vụ Công đoàn ngành triển khai mô hình “Chăm lo đời sống cho đoàn viên, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tổ chức thống kê, rà soát tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên và người lao động, chú trọng những người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, thu nhập thấp và xây dựng kế hoạch thăm hỏi hỗ trợ kịp thời. Trong 2 năm (2021- 2022) 100% cán bộ, đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt được Ban Thường vụ Công đoàn ngành thăm hỏi động viên, quan tâm giúp đỡ kịp thời. Ban Thường vụ Công đoàn ngành tổ chức các đoàn công tác gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp, chủ động đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ giúp đỡ từng đối tượng cụ thể. Nhiều gia đình đoàn viên được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh từ nguồn hỗ trợ của công đoàn và nguồn đối ứng của đơn vị. Theo đó, đã có hơn 700 cán bộ đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, phát huy nguồn quỹ vì CNLĐ, công đoàn ngành kịp thời giải ngân hỗ trợ CNLĐ vay vốn để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Mô hình giúp cho cán bộ đoàn viên có thêm tinh thần, nghị lực, vơi bớt khó khăn, cởi mở, chia sẻ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức công đoàn.
Với những kết quả đạt được, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao (2021, 2022), vượt các chỉ tiêu về công tác tài chính, công tác phát triển đoàn viên, được cấp trên ghi nhận và biểu dương khen thưởng. Năm 2021, nhận Bằng khen của LĐLĐ tỉnh, năm 2022, nhận Cờ thi đua của LĐLĐ tỉnh. Là đơn vị có cá nhân đại diện cho tỉnh được Tổng Liên đoàn Lao động biểu dương tại chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó phát triển và được tặng bằng Lao động sáng tạo.
Đồng chí Phùng Thị Minh Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong thời gian tới, Công đoàn ngành tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; chuyển hướng hoạt động chuyên sâu, gần với cơ sở, sát đoàn viên; lấy lợi ích làm điểm tập hợp thu hút đoàn viên và người lao động; tập trung xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; tăng cường phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, duy trì tổ chức và hoạt động công đoàn ngành. Đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động
Với những hoạch định trong thời gian tới, tin tưởng Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát huy vai trò, để tạo niềm tin, uy tín cho người lao động, giúp họ yên tâm gắn bó doanh nghiệp, là nguồn lực để giúp các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành nông nghiệp lớn mạnh và phát triển toàn diện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!