Chạy chợ bán mớ rau, con cá mỗi ngày dù chỉ với sạp hàng khiêm tốn hay gồng gánh “buôn thúng bán bưng”, ngày ngày mòn gót trên những đường làng, con phố; vất vả sớm hôm, song với nhiều người, đây là công việc mưu sinh cho gia đình.
Hai giờ sáng, Chợ đầu mối nông sản Chiềng Cơi, Thành phố đã thắp đèn sáng trưng, tấp nập người bán, người mua, tiếng rầm rầm chuyển hàng bốc vác, tiếng kỳ kèo ngã giá... Đây là đầu mối tập kết hàng hóa chủ yếu là nông sản từ miền xuôi lên cung cấp cho các tiểu thương hay những người chạy chợ nhỏ lẻ mang đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài Thành phố. Không kể ngày nắng hay mưa, chợ đầu mối vẫn nhộn nhịp người làm nghề “đi chợ” trực chờ đêm hôm để kịp đón hàng cho phiên chợ sớm.
Với nghề này, mỗi người có những nỗi vất vả riêng. Chị Đặng Thị Hoa, phường Quyết Thắng, chuyên buôn bán các mặt hàng đồ khô (hành, tỏi), củ quả theo mùa hơn 10 năm nay, thường phải thức để nhận hàng từ nửa đêm, sau đó mới bốc hàng lên xe tải nhỏ của gia đình để chở ra chợ đầu mối, vừa bán buôn vừa bán lẻ, đến 8 giờ sáng vãn chợ mới lại sắp xếp để trở về nhà.
Còn anh Tòng Văn Tuấn, ở xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, vất vả hơn vì cách Thành phố hơn 100 km, vẫn đều đều mỗi ngày chở vài chục cân thịt lợn đến chợ đầu mối để bán. Anh phải chuẩn bị từ nửa đêm, chạy xe máy 3 tiếng đồng hồ đến Thành phố trước 5 giờ sáng giao cho khách đặt mua từ trước; hôm nào nhiều hàng thì còn phải mang đi rao bán lẻ khắp các chợ, ngày nào cũng quá trưa mới về nhà.
Chị Quàng Thị Trang, xã Chiềng Xôm, Thành phố thì lại ngược tuyến đường. Cứ 2 giờ sáng, chị đến chợ đầu mối nhập hàng hoa quả đầy hai sọt, rồi chở xe máy vào tận chợ phiên buổi sáng ở Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai để bán lẻ. Mùa nào thức nấy, đi dần cũng thành quen và có khách quen nên công việc này dù vất vả, nhưng giúp chị có thu nhập để lo cho gia đình.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề “đi chợ”, thì có tới 13 năm, bà Lò Thị Toan, phường Chiềng An, gánh hàng rong rao bán khắp Thành phố. Khi tuổi đã cao, sức yếu, bà xin được một chỗ ngồi rộng chưa tới 1m² tại chợ 308 để bán hàng rau. Cứ 4 giờ sáng, bà Toan đã dậy hái rau, 5 giờ sáng có mặt ở chợ khi nhà cửa, hàng quán xung quanh vẫn còn im lìm. 12 giờ trưa khi vãn người qua lại, bà mới về nhà ăn trưa, 15h chiều lại bắt đầu ra bán hàng đến tận tối mịt mới về. Vất vả là vậy, nhưng bà hầu như chưa nghỉ một ngày chợ nào ngoài những lúc ốm đau.
Những người “chạy chợ” phải chấp nhận cuộc sống đảo ngược về thời gian, thức khuya, dậy sớm, đêm hôm, ngược xuôi để bán hàng. Anh Tòng Văn Tuấn chia sẻ: Ngày buôn bán thuận lợi kiếm được vài trăm ngàn tiền lãi là “đủ ấm” rồi. Nhưng có ngày ế hàng, đến quá trưa cũng phải bán rẻ thì chẳng còn lãi bao nhiêu, trong khi đi lại đường xa, chi phí xăng xe tốn kém.
Còn chị Trang kể: Không ít lần nhập cam, quýt mà vội quá không kiểm tra kỹ, mang đến chợ bán mới biết có nhiều quả bị dập, hôm thì quả bị khô hoặc quá chua nên ế hàng hoặc bán rẻ hơn cả giá nhập nên xác định là ngày đó vừa lỗ vốn, vừa tốn công, tốn xăng đi lại đường xa.
Hộ kinh doanh lâu năm như chị Hoa cũng không tránh khỏi những lúc buôn bán ế ẩm, thua lỗ, chị Hoa thật thà nói: Đôi lúc nhập hàng về nhiều mà không bán được, lại gặp thời tiết xấu, tồn hàng vài ngày là cả hành, tỏi khô đến hoa quả tươi đều hư hỏng hoặc hao hụt, lỗ vốn là chuyện thường gặp. Dẫu vậy, vẫn phải cố gắng buôn bán đều đều, để ngày nọ bù ngày kia, vì đây là công việc chính giúp vợ chồng chị có thu nhập nuôi hai con ăn học.
Nghề “chạy chợ” mỗi người một kiểu nhưng vất vả thì như nhau. Chẳng cứ ngày nắng hay mưa, đông hay hè, người thì cần mẫn gồng gánh nào thúng, nào sọt đầy ắp hàng hóa rau quả theo mùa; người thì chịu khó chạy hàng đi bán các chợ xa ở huyện để kiếm khoản tiền lãi cao hơn. Đa phần là phụ nữ nhưng không ngại xốc vác với những gánh hàng cồng kềnh, to nặng. Mỗi mớ rau, cân quả chỉ lãi được 2-3 nghìn đồng nên phải siêng đi từ sáng sớm đến tối mịt, chờ bán hàng đến khi không còn khách qua lại mới dám trở về nhà lo cơm nước, con cái khi trời đã về khuya.
Vất vả là thế nhưng đây là công việc mà nhiều người đã gắn bó đến vài chục năm trời, thành kinh nghiệm giúp họ thêm kinh nghiệm, vốn liếng, biết tận dụng thời gian, căn giờ bán hàng, biết “năng nhặt chặt bị” bằng chính mồ hôi công sức của mình, tích cóp mỗi ngày để tăng nguồn thu nhập, giúp họ trang trải cuộc sống, chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Nghề "chạy chợ" không biết có tự bao giờ, là kênh trao đổi hàng hóa thiết yếu theo cách truyền thống. Công việc mưu sinh tưởng chừng giản đơn, song lại thầm lặng góp phần vào hoạt động trao đổi hàng hóa, phục vụ đời sống thường nhật. Thương cảm với người "chạy chợ", chợt nhớ những câu thơ mộc mạc "Thương vợ" của cụ Tú Xương: Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!