Nâng độ che phủ rừng, tăng thu nhập cho nhân dân

Những năm qua, huyện Sốp Cộp đã tích cực vận động nhân dân trồng các loại cây thông để phủ xanh những vùng đất trống, đồi trọc, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ. Các mô hình trồng thông ngày càng được nhân rộng, giúp tăng thu nhập cho nhân dân và từng bước đưa lâm nghiệp phát triển bền vững.

Giọng nữ
Cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Sốp Cộp hướng dẫn nhân dân xã Nậm Lạnh chọn cây giống.

Hiện nay, huyện có trên 3.700 ha rừng thông, tập trung ở các xã Mường Và, Mường Lạn, Mường Lèo, Dồm Cang, Púng Bánh, Sam Kha, Nậm Lạnh, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện từ 47,4% năm 2020 lên hơn 48,1% năm 2023. Trên địa bàn huyện có 1 vườn ươm, mỗi năm vườn ươm cung cấp trên 50 vạn cây thông giống, phục vụ các dự án phát triển lâm nghiệp và nhu cầu cây giống cho các hộ gia đình.

Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sốp Cộp, cho biết: Huyện có địa hình đồi núi cao, khí hậu lạnh, đất có độ dốc lớn, ít màu mỡ, nhưng lại phù hợp với cây thông mã vĩ. Đây là loại cây lâm nghiệp dễ trồng, tỷ lệ sống cao, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, trồng từ 10-12 năm có thể cho khai thác gỗ. Hằng năm, các tổ chức, cá nhân khai thác từ 3.000-10.000 m³ gỗ thông được cấp phép. Nhiều gia đình trồng thông có thu nhập từ 150-300 triệu đồng/năm.

Xã Sam Kha cách trung tâm huyện gần 40 km, hai bên con đường nhựa đến xã là những rừng thông xanh thẫm, trải dài qua những nương đồi. Ông Thào A Cờ, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, xã đã xây dựng kế hoạch trồng rừng và chọn cây thông để nhân rộng, vì thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con về ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, nhất là trồng thông nguyên liệu. Đến nay, xã có trên 160 ha rừng thông; năm 2023, có 2 ha rừng thông trồng do các hộ tự bỏ vốn đã được khai thác làm nguyên liệu.

Ông Tòng Văn Dũng, bản Lạnh, xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Năm 2016, huyện có chủ trương trồng thông mã vĩ, gia đình tôi đã đăng ký trồng 40 ha. Đến nay, cây đã cao hơn 3m, không có sâu bệnh. Dự kiến 4 - 5 năm nữa sẽ cho khai thác, với giá bán như hiện nay thu nhập khoảng 120-150 triệu đồng/ha.

Đối với gia đình ông Lường Văn Thành, bản Liền Ban, xã Púng Bánh, trồng rừng là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông Thành cho biết: Từ năm 2008, gia đình tôi đề nghị với các cấp chính quyền hỗ trợ cây giống để trồng 7 ha rừng, chủ yếu là thông mã vĩ. Năm 2021, gia đình đã khai thác gần 600m³ gỗ, thu trên 450 triệu đồng. Đầu năm 2022, gia đình tiếp tục trồng lại 7 ha trên diện tích đã khai thác bằng giống thông mã vĩ, hiện nay cây đang phát triển tốt.

Tại huyện Sốp Cộp cũng đang có 5 cơ sở chế biến gỗ được cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh ván bóc. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là gỗ thông của bà con được phép khai thác, mỗi cơ sở tiêu thụ từ 200-300 m³/năm, với giá thu mua từ 700-900 nghìn đồng/m³, qua đó các hộ trồng thông nguyên liệu không lo đầu ra cho sản phẩm.

Việc phát triển diện tích trồng cây thông đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động nhân dân bảo vệ tốt diện tích rừng trồng trước đó và thực hiện trồng rừng mới mỗi năm khoảng 15-20 ha rừng từ nguồn vốn của nhân dân, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và tăng thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới