Nâng cao năng lực “Giám sát đầu tư của cộng đồng”

Nâng cao năng lực về “Giám sát đầu tư của cộng đồng” là 1 trong 13 mô hình thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”. Sau gần 1 năm Thành phố triển khai thí điểm mô hình, cho thấy vai trò giám sát của cộng đồng được phát huy, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án.

Xây dựng mô hình điểm

Nâng cao năng lực về “Giám sát đầu tư của cộng đồng”, ngày 18/4/2023, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Hướng dẫn số 20-HD/TU thực hiện mô hình theo hướng “5 rõ”: Rõ đối tượng, thành phần tham gia mô hình; các bước thực hiện; các tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể trong triển khai, thực hiện; kết quả mô hình.

Một góc trung tâm Thành phố.
Ảnh: Huy Thành

Bà Lường Thị Hảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, chia sẻ: Đến nay, 12/12 xã, phường của Thành phố triển khai mô hình nâng cao năng lực “Giám sát đầu tư của cộng đồng”. Các ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) xã, phường có ít nhất 5 thành viên trở lên, gồm: Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, phường; Ban Thanh tra nhân dân và đại diện người dân các tổ, bản nơi triển khai chương trình, dự án. 

Theo hướng dẫn, Ban GSĐTCCĐ hoạt động giám sát theo các nội dung quy định tại Thông tư số 25/TTr-MTTW-BTT ngày 10/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Nội dung giám sát gồm: Thu thập tài liệu; theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư và phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án; theo dõi, kiểm tra việc nhà đầu tư tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư, loại vật tư theo quy định; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu, quyết toán công trình. Ban Giám sát còn có nhiệm vụ phát hiện, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đầu tư.

Cộng đồng chủ thể giám sát

Triển khai mô hình “Giám sát đầu tư của cộng đồng”, đến nay, các xã, phường trên địa bàn Thành phố đã thành lập 126 Ban GSĐTCCĐ thực hiện giám sát 126 công trình, dự án. Trong đó, đã hoàn thành giám sát 122 công trình, đang tiếp tục giám sát 3 công trình, còn 1 công trình chưa thực hiện vì chưa triển khai.

Ban GSĐTCCĐ công trình xây dựng Nhà văn hóa tổ 4, phường Quyết Thắng thành lập tháng 10/2023, gồm 7 thành viên. Trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Quyết Thắng làm trưởng ban, đồng chí Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường làm phó ban; 5 thành viên còn lại là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ 4, Trưởng Ban Công tác mặt trận tổ, Ban Thanh tra nhân dân và 2 công dân của tổ trước là cán bộ Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư có chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ 4, thành viên Ban GSĐTCCĐ công trình Nhà văn hóa tổ 4, phường Quyết Thắng, chia sẻ: Ban lập nhóm zalo, trao đổi công việc; các thành viên thay phiên có mặt tại công trình thực hiện giám sát từ khi bắt đầu xây dựng đến khi nghiệm thu. Qua giám sát, kiểm tra, Ban Giám sát đề nghị đơn vị thi công căn chỉnh lại chính xác các chân cột nhà văn hóa, đan thép cột đáp ứng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng theo thiết kế đã duyệt.

Nhà văn hóa tổ 4, phường Quyết Thắng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 1/2024.

Sau gần 4 tháng giám sát thi công, Nhà văn hóa tổ 4 đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, với tổng diện tích gần 560 m2 . Kinh phí xây dựng gần 4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước, nhân dân đóng góp 217 triệu đồng mua sắm vật tư và trang thiết bị.

Ông Cà Văn Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Quyết Thắng, Trưởng Ban GSĐTCCĐ phường, thông tin: Mỗi công trình, dự án, phường sẽ ra quyết định thành lập Ban GSĐTCCĐ. Tại tổ, bản phân công Tổ giám sát GSĐTCCĐ, trong đó, đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố là thành viên Ban GSĐTCCĐ phường; đồng thời, làm tổ trưởng tổ giám sát. Như vậy, việc giám sát công trình thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Năm 2023, phường Quyết Thắng hoàn thành giám sát 19/19 công trình, dự án. Qua giám sát công trình giải Asphalt ngõ 06, đường Hoàng Quốc Việt, tổ 3 và Dự án đường Điện Lực - Lò Văn Giá đoạn thuộc tổ 9, bản Giảng Lắc, Ban GSĐTCCĐ đã đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công chuyển vị trí cột điện, đảm bảo độ an toàn và phù hợp địa thế. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ phối hợp phá bỏ các bậc lên xuống trước cửa nhà, thi công đảm bảo chất lượng và mỹ quan; đề nghị đơn vị thi công bù võng mặt bằng 1 điểm trên tuyến đường bị trũng khiến nước đọng không thoát.

Thành viên Ban GSĐTCCĐ cùng lãnh đạo xã Hua La kiểm tra tuyến đường bản Nam.

Năm 2023, xã Hua La cán đích xã nông thôn mới nâng cao. Trong thành tích chung của xã, có sự đóng góp không nhỏ của Ban GSĐTCCĐ. Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Hua La, cho biết: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã ban hành 23 quyết định thành lập Ban GSĐTCCĐ và kế hoạch giám sát cho từng công trình đường giao thông tại các bản. Quá trình hoạt động, Ban GSĐTCCĐ xã luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã, có sự phối hợp giữa UBND xã (chủ đầu tư) cung cấp các tài liệu, trang thiết bị, kinh phí... liên quan đến hoạt động giám sát, được các thành viên đồng tình cao.

Nhân dân bản Nẹ Tở, xã Hua La, dọn vệ sinh tuyến đường liên bản.

Còn tại phường Chiềng Lề, Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường quyết định thành lập 10 Ban GSĐTCCĐ cho từng dự án. Mỗi ban có 9 thành viên, trong đó, 2 thành viên là cán bộ, công chức phường, 7 thành viên là công dân các tổ, bản. Ban Giám sát chủ động xây dựng kế hoạch giám sát theo quy định; thực hiện và hoàn thành việc giám sát 10/10 công trình, dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tiêu biểu như công trình Trụ sở làm việc của phường, Nhà văn hóa tổ 1...

Trụ sở làm việc của phường Chiềng Lề.

Đồng chí Lường Thị Hảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, cho biết: Mô hình nâng cao năng lực “Giám sát đầu tư của cộng đồng” đã góp phần chủ động phòng ngừa vi phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua giám sát, các công trình đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng, tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả vốn đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Mô hình nâng cao năng lực “Giám sát đầu tư của cộng đồng” các xã, phường được triển khai, thực hiện nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong giám sát các chương trình, dự án đầu tư.

Đồng chí Lò Thị Thủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho biết: Qua giám sát, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị với chủ đầu tư, đơn vị thi công điều chỉnh, khắc phục đảm bảo thi công đúng thiết kế và chấp hành các quy định về vệ sinh, môi trường... Đây là một kênh thông tin quan trọng, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chất lượng công trình và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Giám sát thi công tuyến đường liên bản xã Chiềng Cọ.

Ngày 23/2/2024, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 1773-QĐ/TU thành lập ban tổ chức, tổ đánh giá, chấm điểm 13 mô hình thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó, có mô hình nâng cao năng lực “Giám sát đầu tư của cộng đồng”. Đây là cơ sở để tổng kết, biểu dương, khen thưởng các mô hình tiêu biểu, có cách làm hay và nhân rộng.

Mô hình nâng cao năng lực “Giám sát đầu tư của cộng đồng” được thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Với ý nghĩa đó, thời gian tới, Thành phố cần tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ giám sát đầu tư cộng đồng cho các thành viên; bổ sung phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác giám sát... Khi đó, mô hình trở thành “tai, mắt” giúp việc quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn thêm hiệu quả.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới