Triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, trong đó, thành lập tổ truyền thông cộng đồng, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Bà Vi Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin: Đến nay, toàn tỉnh có 226 tổ truyền thông cộng đồng, với 1.967 thành viên. Mỗi tổ có từ 7-15 thành viên, gồm bí thư chi bộ, chi hội trưởng phụ nữ, hội viên phụ nữ, người có uy tín trong cộng đồng và công an viên. Trong đó, đồng chí bí thư chi bộ, đồng thời là tổ trưởng đóng vai trò nòng cốt. Đây là những người có trách nhiệm, có khả năng kết nối, phân công công việc cho các thành viên khác. Việc lựa chọn người đứng đầu khu dân cư làm tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động.
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn hỗ trợ kỹ năng vận hành và duy trì tổ truyền thông cộng đồng cho 40 cán bộ hội phụ nữ cấp tỉnh, huyện. Các cấp hội tổ chức 74 cuộc truyền thông, tập huấn trang bị các kiến thức xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới, lồng ghép giới và hướng dẫn, hỗ trợ cấp xã tổ chức tọa đàm, đối thoại tại các bản cho trên 23.500 cán bộ, hội viên, phụ nữ, thành viên các tổ truyền thông cộng đồng.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số qua các ứng dụng zalo, facebook, hướng dẫn các tổ tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp bản, nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, qua loa truyền thanh xã, bản..., giúp bà con có thể tiếp cận thông tin thuận lợi, trang bị kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tiến tới giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Là một trong 9 huyện trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Dự án 8, đến nay, huyện Phù Yên đã thành lập và ra mắt 42 tổ truyền thông cộng đồng tại 19 xã; hỗ trợ tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho các thành viên. Chị Đặng Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Yên, thông tin: Đội ngũ tuyên truyền viên của tổ truyền thông đã tổ chức hơn 70 cuộc tuyên truyền, truyền thông cho trên 5.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân với nhiều nội dung về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, huyện Mường La đã thành lập và ra mắt 27 tổ truyền thông cộng đồng tại các xã Chiềng Hoa, Pi Tong, Chiềng Lao, Nậm Giôn, Chiềng Công, Hua Trai, Tạ Bú, Chiềng San. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Hội LHPN huyện đã tổ chức giao lưu các mô hình tổ truyền thông cộng đồng để các xã tham gia. Chị Phạm Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện, thông tin: Từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức được hai cuộc giao lưu tại xã Hua Trai và Trung tâm hội nghị huyện với 8 đội thi đến từ các xã. Qua đó, tuyên truyền sâu rộng Luật bình đẳng giới đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân.
Tiếp tục nhân rộng mô hình, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên tổ truyền thông cộng đồng theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Tổ chức hội nghị chuyên đề trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ truyền thông cộng đồng thực hiện tốt quy chế, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!