Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên

Đồng hành hỗ trợ đoàn viên, thanh niên có nhu cầu, nguyện vọng phát triển kinh tế, các cấp cơ sở đoàn trong tỉnh đa dạng hóa các nội dung, hình thức hoạt động, tạo môi trường thuận lợi giúp các bạn trẻ khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.

Dự án “Chế tác, kinh doanh các sản phẩm từ lá ngô” tại Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN dân tộc thiểu số.

 Những năm gần đây, nhiều nông dân trẻ trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo trong khai thác công nghệ thông tin chia sẻ video trên Youtube về cuộc sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp, truyền cảm hứng tích cực, thu hút nhiều lượt người theo dõi. Những nội dung đã dần trở thành chuyên nghiệp, mang lại thu nhập ổn định từ kênh Youtube.

Điển hình trong số đó là anh Hà Văn Sáng, bản Nguồn, xã Mường Lang, huyện Phù Yên. Sau 3 năm, đến nay, anh Hà Văn Sáng sáng tạo ra 2 kênh Youtube có tên “Sang Vy family farm” và “Thao Vy farm”, thu hút gần 83.000 người theo dõi, với hàng triệu lượt xem. Sau nhiều năm đi làm công nhân ở các tỉnh miền xuôi, thường xuyên phải xa nhà, năm 2020, anh Sáng về quê, lập gia đình và xây dựng trang trại trồng rau, chăn nuôi. Được Đoàn xã tạo điều kiện vay vốn thanh niên khởi nghiệp, anh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Xem các video quảng cáo giới thiệu nông sản của giới trẻ trên các trang mạng xã hội, anh học hỏi kinh nghiệm làm video, lên kịch bản, dàn dựng, đầu tư thiết bị, xây dựng kênh Youtube riêng của mình, thu hút nhiều người xem.

Anh Sáng cho biết: Hiện tại, trung bình mỗi ngày, tôi làm 1-2 video, chủ đề xoay quanh cuộc sống hằng ngày của gia đình, từ sản xuất, trồng trọt đến chăn nuôi, thu hoạch nông sản. Dần dần, trang Youtube của vợ chồng tôi tiếp cận nhiều người hơn. Các video chân thực, đơn giản được người xem đón nhận, phản hồi tích cực.

Hiện tại kênh Youtube của anh Sáng cho thu nhập trung bình 20 triệu đồng/tháng; cùng với đó, việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản của gia đình thuận lợi hơn. Từ trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất video đã mang lại thu nhập cho gia đình gần 400 triệu đồng/năm. Năm 2023, ý tưởng “Mô hình nông dân chuyển đổi kỹ thuật số” của anh Sáng đã đạt giải nhất tại Cuộc thi thanh niên khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Sơn La năm 2023, do Tỉnh đoàn tổ chức.

Còn tại huyện Thuận Châu, tận dụng phụ phẩm từ cây ngô sau thu hoạch, em Nguyễn Thảo Ly, học sinh lớp 12A, Trường THPT Thuận Châu cùng nhóm bạn đã nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm từ lá ngô, thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân cũng như các bạn trẻ.

Em Ly chia sẻ: Qua quan sát, khi thu hoạch xong, lá của cây ngô bị vứt ngay trên bờ ruộng, hoặc người dân sẽ đốt luôn ở trên nương. Việc này ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì vậy, em và các bạn nghĩ ra ý tưởng làm ra các sản phẩm từ lá ngô. Sau khi thu gom nguyên liệu, chúng em xử lý lá ngô bằng cách luộc, phơi khô, nhuộm màu và sáng tạo ra các sản phẩm đa dạng, như lọ hoa, bó hoa và một số vật dụng, như chổi, quạt, túi xách, đồ vật trang trí... Các sản phẩm thân thiện với môi trường, được thị trường đón nhận. Vừa qua, Dự án “Chế tác, kinh doanh các sản phẩm từ lá ngô” của nhóm đã đạt giải nhì trong Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN dân tộc thiểu số và được hỗ trợ kinh phí tiếp tục phát triển.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích sự sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, phát hiện những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo, tổ chức cơ sở đoàn các cấp trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, khuyến khích, “tiếp lửa” cho ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Hằng năm, Tỉnh đoàn đã tổ chức các cuộc thi, hội thi ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy, phát triển phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học trong ĐVTN; giúp thanh niên có điều kiện hiện thực hóa ước mơ, ý tưởng khởi nghiệp.

Cùng với đó, các cơ sở đoàn trong tỉnh đang quản lý hơn 940 tổ vay vốn, với tổng dư nợ hơn 1.300 tỷ đồng, cho trên 29.000 ĐVTN vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Duy trì 18 tổ hợp tác, 68 HTX thanh niên, 190 câu lạc bộ khởi nghiệp, 204 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, 204 đội trí thức trẻ tình nguyện hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho thanh niên trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nhiều sản phẩm do thanh niên làm ra, trở thành mặt hàng có giá trị, tính cạnh tranh cao, mang lại thu nhập ổn định.

Những chương trình, hoạt động thiết thực đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ĐVTN phát huy năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo của tuổi trẻ, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới