Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn I, từ năm 2021-2025, tỉnh Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân bổ trên 51 tỷ đồng triển khai 2 tiểu dự án về lĩnh vực nông nghiệp: “Phát triển kinh tế nông, lâm bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” và “Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư”. Trên thực tế, việc triển khai 2 dự án này gặp nhiều khó khăn vướng mắc, tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Huyện Mai Sơn được giao 22,3 tỷ đồng thực hiện 2 tiểu dự án về lĩnh vực nông nghiệp. Ngay sau khi được giao vốn, huyện tiến hành phân bổ cho các đơn vị, chỉ đạo tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, mới giải ngân trên 6,3 tỷ đồng, đạt 28,2% kế hoạch vốn giao.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Tỷ lệ giải ngân thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đơn cử, thực hiện Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, khi đăng tải lựa chọn đơn vị chủ trì, chỉ có 1 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký triển khai; khi hội đồng thẩm định thẩm định hồ sơ thì không đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn cụ thể việc trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với đơn vị chủ trì dự án là đơn vị đứng ra mua sắm hàng hóa...
Còn huyện Sông Mã, đến thời điểm này chưa giải ngân được nguồn vốn của các tiểu dự án này. Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, lý giải: Theo Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 5/5/2020 của UBND tỉnh, có quy định UBND các huyện, thành phố chỉ phê duyệt dự án có tổng mức đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước dưới 3 tỷ đồng. Nhưng đối với 2 dự án hỗ trợ về nông nghiệp theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, huyện Sông Mã được phân bổ trên 8 tỷ đồng. Vì vậy, UBND huyện không có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho chủ rừng gặp nhiều khó khăn do khối lượng chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng rất lớn, nhiều chủ rừng thay tên đổi họ, cho tặng, thừa kế...
Khó khăn của huyện Mai Sơn, huyện Sông Mã cũng là khó khăn chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, đến hết ngày 31/10, toàn tỉnh mới giải ngân trên 9,1 tỷ đồng, đạt 17,8% vốn giao thực hiện, triển khai 2 dự án: “Phát triển kinh tế nông, lâm bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” và “Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư”.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh đã họp bàn, tháo gỡ khó khăn. Tại cuộc họp, đồng chí Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, các ngành, địa phương tuân thủ nghiêm các quy định, nguyên tắc của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các chương trình. Đối với các kiến nghị của các địa phương, giao các sở, ngành của tỉnh trả lời UBND các huyện, thành phố; những trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu với UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương tháo gỡ.
Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, do đó cần quyết tâm cao để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện. UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện. Kịp thời chỉ đạo xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh và đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!