Khó khăn trong di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Toàn tỉnh hiện có trên 1,1 triệu con gia súc; trên 8 triệu con gia cầm. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ xen kẽ trong các khu dân cư vẫn còn phổ biến và phần lớn không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.

Giọng nữ
Cán bộ phường Chiềng Cơi, Thành phố tuyên truyền, vận động hộ dân bản Mé Ban di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2020, nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, thời gian thực hiện trong vòng 5 năm. Như vậy, hàng nghìn cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải di dời ra khỏi các khu dân cư, vì vậy, lộ trình di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi dân cư phải phù hợp, nhằm xây dựng nền chăn nuôi hiện đại và bền vững.

Thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi, ngày 18/4/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương rà soát, thống kê số lượng, phân loại cơ sở chăn nuôi, xác định mức hỗ trợ; lập kế hoạch, dự trù kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, quán triệt Luật Chăn nuôi và các văn bản liên quan; tổ chức cho các cơ sở chăn nuôi ký cam kết, xây dựng phương án ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trong thời gian quy định.

Cán bộ phường Quyết Thắng truyên truyền, trao đổi với hộ chăn nuôi.

Tuy nhiên, nhiều địa phương đang gặp khó khăn, nếu phải dừng chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều gia đình; nếu di dời thì địa phương cũng không có quỹ đất làm khu chăn nuôi biệt lập.

Tại thành phố Sơn La, địa phương có số hộ phải di chuyển nhiều nhất tỉnh, với 855 hộ thuộc 7 phường, 65 tổ, bản. Ông Nguyễn Văn Thản, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các phường rà soát, tổng hợp danh sách, thông báo đến từng hộ, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dừng hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Triển khai hỗ trợ đúng đối tượng đã được quy định tại Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND, đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đến nay, mới có 646 hộ ký cam kết.

Ông Quàng Văn Hặc, bản Mé Ban, phường Chiềng Cơi, đang nuôi 30 con lợn và dê, cho biết: Tôi đã đầu tư công trình biogas xử lý chất thải và thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Năm 2024, gia đình đã được UBND phường vận động di chuyển khu chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư nhưng tìm quỹ đất phù hợp rất khó khăn, nên gia đình vẫn chưa thể di chuyển. Hơn nữa, vợ chồng tôi đều đã lớn tuổi, không có lương hưu, giờ không chăn nuôi, chúng tôi không biết làm nghề gì khác để có thu nhập.

Tương tự, tại huyện Mai Sơn, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND cũng gặp nhiều khó khăn. Riêng thị trấn Hát Lót có 29 cơ sở chăn nuôi, tổng đàn 1.672 con gia súc, gia cầm nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi.

Trang trại nuôi lợn của hộ dân phường Quyết Thắng, Thành phố, đã được di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: UBND huyện đã trực tiếp tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt, phổ biến nội dung của Nghị quyết; chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với thị trấn Hát Lót thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, đến tháng 3/2025, vẫn còn 7 cơ sở chăn nuôi, quy mô 98 con lợn chưa ngừng hoạt động.

Theo rà soát, đến hết quý I/2025, trong tổng số 2.409 cơ sở chăn nuôi thuộc 7 phường của thành phố và các khu vực nội thành, khu dân cư tại thị trấn của các huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Yên Châu, Thuận Châu, Sông Mã, Phù Yên, Quỳnh Nhai và thị xã Mộc Châu, nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, mới có 1.236 cơ sở chăn nuôi ký cam kết dừng hoạt động và 3 cơ sở chăn nuôi thực hiện di dời; còn 1.173 cơ sở chăn nuôi chưa ký cam kết dừng hoạt động chăn nuôi.

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Mức hỗ trợ kinh phí để di chuyển chuồng trại thấp, nên các hộ không có đủ kinh phí tái đầu tư chuồng trại chăn nuôi ở vị trí khác hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Không có quỹ đất để bố trí cho các hộ có nhu cầu tiếp tục chăn nuôi khi di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi…

Cũng theo lời ông Tiến: Sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ phải dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực cấm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (do không có đất để di chuyển chuồng trại đi nơi khác). Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng chăn nuôi tập trung và khu giết mổ tập trung phù hợp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về chăn nuôi và kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm; điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND cho phù hợp với quy định và thực tế.

Mặt khác, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ quy định của Luật Chăn nuôi, tạo sự đồng thuận cao. Đồng thời, xác định rõ đặc trưng, lợi thế của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực phát triển ngành chăn nuôi bền vững, giảm ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới