Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Với mục tiêu, tất cả bà mẹ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, can thiệp lây nhiễm HIV, những năm qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tiến tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Giọng nữ
Kỹ thuật viên Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu làm xét nghiệm cho phụ nữ mang thai.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xét nghiệm HIV cho 244 phụ nữ mang thai, qua đó phát hiện mới 1 trường hợp nhiễm HIV. Các cơ sở y tế điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với 5 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, do tuân thủ quá trình điều trị nên 5 trẻ sinh ra đều phát triển bình thường và không bị nhiễm HIV.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: Các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất. Đối với người phát hiện nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng vi rút có vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ. Để sinh con không bị nhiễm HIV, người mẹ nhiễm HIV phải tuân thủ điều trị, theo dõi thai kỳ, thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng.

Hằng năm, ngành Y tế đã ban hành kế hoạch tổ chức Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, với nhiều hoạt động, như: Tư vấn, giám sát, xét nghiệm sàng lọc; điều trị thuốc ARV; hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản. Khuyến khích phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên thăm khám định kỳ hằng tháng; lựa chọn nơi sinh con tại cơ sở y tế có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV. Trẻ sau sinh được sử dụng thuốc ARV, dùng liên tục từ 6 đến 12 tuần. Đồng thời, được dùng sữa ngoài thay thế trong 6 tháng đầu hoặc có thể bú sữa mẹ nếu mẹ tuân thủ uống thuốc ARV điều trị.

Toàn tỉnh đang có 13 cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) ở các huyện, thành phố. Các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản lồng ghép cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo các nội dung được quy định của Bộ Y tế. Phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tư vấn, chuyển tiếp theo dõi, quản lý phụ nữ mang thai nhiễm HIV trước và sau sinh; điều trị dự phòng và chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh.

Từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế, các địa phương tổ chức hoạt động truyền thông trực tiếp phòng chống HIV/AIDS cho 51.000 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người nghiện chích ma túy, nhiễm HIV/AIDS, thành viên gia đình người nhiễm HIV. Phát 2.796 tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát miễn phí 85.625 bao cao su cho 15.263 lượt  người; cấp 234.207 bơm kim tiêm sạch cho 11.880 lượt người. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, ngành Y tế tập trung lồng ghép cung cấp dịch vụ điều trị HIV vào mạng lưới cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện. Tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV. Giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương. Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điều trị ARV trong ngày, cấp thuốc ARV nhiều tháng, cấp thuốc ARV tại các trạm y tế xã.

Cùng với đó, nâng cao năng lực xét nghiệm sàng lọc HIV tại tuyến xã; xét nghiệm tế bào CD4, tải lượng HIV tại tỉnh. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động tiếp cận khách hàng nguy cơ cao tại cộng đồng đi điều trị PrEP cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến, đội ngũ cộng tác viên y tế, tuyên truyền viên đồng đẳng các huyện, thành phố...

Với các giải pháp cụ thể của cơ quan chức năng, trách nhiệm của bản thân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV để sớm được điều trị theo phác đồ, nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Từ đó, giảm các ảnh hưởng của dịch HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới