Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức Hội thảo "Tham vấn về hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp”. Chương trình nhằm chia sẻ kết quả đánh giá thực trạng một số cơ sở dữ liệu an sinh xã hội và tham vấn lộ trình thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong một số lĩnh vực quan trọng về quản trị dữ liệu trong 2 năm trở lại đây. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chiến lược “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là đề án 06).
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 32% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 17 triệu người, chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong số này, số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 15 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,3 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 88 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chú trọng, đẩy nhanh tiến trình xây dựng, hình thành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về an sinh xã hội.
Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Thông tin phối hợp cùng các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới nghiên cứu đề xuất mô hình và lộ trình xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp. Quá trình xây dựng bảo đảm tính thống nhất trong thiết kế, vận hành các hệ thống thông tin an sinh xã hội, bảo đảm kết nối, đồng bộ, xác thực, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cũng như các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 32% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp.
Trưởng nhóm Phát triển con người của Ngân hàng Thế giới Christophe Lemiere cho hay, hiện nay, các bộ, ngành tại Việt Nam đã sử dụng các hệ thống số hóa, tuy nhiên còn mang tính riêng lẻ, chưa được kết nối đồng bộ, tạo ra sự bất tiện cho những đối tượng thụ hưởng.
Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, càng thấy được vai trò, sự cần thiết của việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp. Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam cũng đã tận dụng tốt thời cơ này, tổ chức triển khai chương trình làm căn cước công dân “thần tốc”, tạo ra một cơ sở dữ liệu dân cư rất toàn diện.
“Tuy còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa, nhưng với sự phối hợp trong thời gian qua giữa Ngân hàng Thế giới và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tôi tin tưởng, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp đồng bộ, thuận tiện cho cả người dân và cơ quan quản lý.” ông Christophe Lemiere chia sẻ.
Thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện khảo sát, đánh giá các cơ sở dữ liệu khác nhau do Bộ quản lý nhằm đưa ra lộ trình hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp.
Dựa trên các nghiên cứu của chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế, hội thảo nhằm chia sẻ kết quả đánh giá nhanh hiện trạng một số cơ sở dữ liệu an sinh xã hội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang quản lý; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp ở các nước trên thế giới. Đồng thời, cập nhật, thông tin kết quả thực hiện chuẩn hóa, làm sạch, chia sẻ, kết nối dữ liệu của các đơn vị. Cuối cùng là đưa ra khuyến nghị về lộ trình xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội tích hợp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Theo Đề án 06, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu cơ sở dữ liệu an sinh xã hội của người dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!