Học sinh bán trú khó khăn tự lo chỗ ở

Mô hình bán trú dành cho học sinh vùng cao thực hiện từ nhiều năm nay, có tác động tích cực đến công tác giáo dục của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, tại Trường tiểu học và THCS Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn còn gặp nhiều khó khăn, do nhà trường không có nhà ở bán trú, ảnh hưởng tới việc học của các em.

Giọng nữ

Gần 12 giờ trưa, sau buổi học, nhiều học sinh của Trường tiểu học và THCS Chiềng Kheo tập trung về dãy nhà trọ gần trường để nấu nướng, ăn uống và sinh hoạt. Dãy nhà trọ này của các hộ dân tự làm để cho học sinh thuê cách trường khoảng 500m, có 7 phòng trọ, mỗi phòng có từ 7-12 em ở đủ các lứa tuổi từ lớp 4 đến lớp 9. Quan sát các phòng trọ của các em học sinh được xây bằng gạch ba vanh, lợp tấm Fibroximang, tường không trát, nhìn khá tạm bợ, nhất là tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh.

Dãy nhà trọ được học sinh Trường tiểu học và THCS Chiềng Kheo thuê.

Căn phòng trọ rộng khoảng 10m², có 2 chị em là Giàng Thị Lâu, Giàng Thị Sai, bản Nà Viền đang ở, được bố trí dãy giường 2 tầng. Trên giường bừa bộn chăn, màn, quần áo; dưới nền nhà là nồi, chảo, bếp nấu lộn xộn. Trong không gian chật hẹp này, ngoài 2 chị em Lâu và Sai, còn 10 bạn nữa. Nhà các em đều ở các bản xa, không thể đi về trong ngày. Hằng ngày, sau các tiết học, về đến phòng trọ, mỗi em một việc, người nấu cơm, người giặt quần áo.

Điều kiện sinh hoạt ở các dãy nhà trọ ẩm thấp.

Vừa đảo lại nồi mì tôm nấu từ sáng, em Giàng Thị Sai, học lớp 7, chia sẻ: Hai chị em ở bản Nà Viền, nhà cách trường 10 km. Vì thế, chỉ cuối tuần, chúng em mới về nhà. Mỗi tuần, bố mẹ cho chị em một ít rau và 100 nghìn đồng để mua thức ăn.

Chiềng Kheo là xã vùng 3 của huyện Mai Sơn, toàn xã có 1 điểm trường chính, 5 điểm trường lẻ. Toàn trường có có 29 lớp, tổng số 821 học sinh; trong đó, có 341 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, mỗi tháng được hỗ trợ 720 nghìn đồng tiền ăn, 180 nghìn đồng tiền ở và 15 kg gạo. Do nhà trường không có nhà ở bán trú nên 100% số học sinh hưởng chế độ đều ở trọ trong dân. Trường chỉ thực hiện chi trả tiền ăn, tiền nhà ở và gạo cho học sinh hằng tháng.

Học sinh phải tự đi chợ, tự nấu ăn.

Khu vực lân cận của trường, những năm gần đây, xuất hiện nhiều dãy nhà trọ cho học sinh do người dân dựng lên. Hầu hết các phòng trọ xây bằng gạch ba vanh, lợp tấm Fibroximang nhưng khá thấp, mùa nắng thì nóng, mùa đông thì lạnh. 

Thầy giáo Nguyễn Quý Đức, Hiệu trưởng nhà trường, tâm tư: Mỗi năm, số lượng học sinh lại tăng lên, nhưng cơ sở vật chất thì thiếu thốn. Việc không có nhà bán trú, học sinh ở trọ trong dân đã gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường trong việc quản lý học sinh. Việc quản lý học sinh, Nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt việc đảm bảo an toàn đối với học sinh hoặc tình huống có học sinh ốm đau thì kịp thời đưa ra trạm y tế thăm khám...

Hiện nay, huyện Mai Sơn có trên 4.000 học sinh đang được thụ hưởng chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Tuy nhiên, qua rà soát, toàn huyện mới có 164 phòng ở nội trú, còn thiếu trên 100 phòng ở, chưa đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho học sinh.

Việc xây nhà bán trú cho học sinh ở các xã khó khăn như Chiềng Kheo rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và UBND huyện, nhất là trong việc ưu tiên nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo các em có chỗ ở ổn định, thuận lợi trong quá trình học tập.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới