Hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi chính sách xã hội

Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Yên Châu đã có thêm nguồn lực đầu tư cho sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Giọng nữ
Hộ dân bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu mở rộng mô hình chăn nuôi từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH.

Sau 2 lần được tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng CSXH, gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh, bản Mai Ngập, xã Chiềng Sàng phát triển thành công mô hình nuôi bò sinh sản, trồng cây ăn quả, mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình anh thoát nghèo. Anh Khánh chia sẻ: Năm 2020, tôi vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện mua 4 cặp bò sinh sản. Đến năm 2022, đàn bò phát triển lên 20 con, gia đình đã bán 10 con. Sau đó, tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng đầu tư trồng 3 ha bưởi, xoài, nhãn, hồng xiêm. Hiện nay, thu nhập của gia đình đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Anh Hoàng Văn Quyết, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bản Mai Ngập, xã Chiềng Sàng, cho biết: Bản có 150 hộ dân, trước đây có nhiều hộ nghèo. Nhờ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, các hộ đã có điều kiện phát triển sản xuất, như: Trồng xoài, nhãn, nuôi trâu, bò sinh sản... mang lại thu nhập 80-150 triệu đồng/năm, có hộ hơn 200 triệu đồng/năm.

Còn tại xã Chiềng Pằn, cùng với tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn, xã đẩy mạnh quản lý, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Việc bình xét cho vay được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ. Ông Đào Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, cho biết: Hiện nay, dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã hơn 29 tỷ đồng, với gần 500 hộ vay. Hàng tháng, xã chỉ đạo các tổ vay vốn tại các bản kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn đảm bảo hiệu quả, không để có trường hợp nợ quá hạn. Từ nguồn vốn vay, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Yên Châu đang triển khai 14 chương trình cho vay, quản lý 273 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn. Ông Đàm Văn Thịnh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu, cho biết: Đảm bảo nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, Phòng đã kiện toàn các tổ giao dịch tại 15 xã, thị trấn; phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể ký các hợp đồng ủy thác; bố trí các tổ giao dịch lưu động hoạt động tại trụ sở UBND xã, thị trấn theo đúng lịch quy định.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, giảm các thủ tục, lập hồ sơ vay vốn, thu, nộp tiền lãi, tiền gửi, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại... kịp thời giải ngân nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận lợi. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện Yên Châu đạt hơn 482 tỷ đồng, với 8.256 hộ vay.

Từ các nguồn vốn Ngân hàng CSXH, đã giúp nhiều hộ nghèo của huyện Yên Châu có điều kiện phát triển kinh tế, mở thêm nhiều ngành nghề kinh doanh, liên doanh, liên kết tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới