Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân giúp người hoàn lương được vay vốn để học nghề, khởi nghiệp, tạo lập cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH tỉnh tuyên truyền về tín dụng chính sách cho người dân.

Anh P.N.H, tiểu khu 2, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, là một trong những trường hợp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Cuối tháng 12/2021, anh chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn làm ăn. Vừa qua, anh được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn giải ngân cho vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Với nguồn vốn này, anh đầu tư mở cửa hàng bán gạo. Anh H. chia sẻ: Tôi rất bất ngờ, vui mừng khi được thụ hưởng chính sách nhân văn này. Đây là nguồn lực tiếp thêm sức mạnh, cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời,

Còn anh trường hợp anh H.T.B, tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, cũng vừa được giải ngân 100 triệu đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Với số vốn vay, gia đình anh sẽ đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng chè và cây ăn quả, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Thế Cần, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộc Châu, thông tin: Phòng đã phối hợp với Công an các xã rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của những người thuộc diện thụ hưởng; trực tiếp đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh thực tế để xét duyệt điều kiện vay vốn và giải ngân kịp thời nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng. Phối hợp cùng với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích. Đến nay, đơn vị đã giải ngân cho 12 khách hàng, tổng dư nợ 1,2 tỷ đồng.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/10/2023, quy định đối tượng vay vốn, gồm: Người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, đã được cấp giấy chứng nhận; cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh, cho biết: Để chính sách triển khai nhanh, hiệu quả, ngay sau khi Ngân hàng CSXH Việt Nam ban hành hướng dẫn, Chi nhánh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện; đề nghị Công an các xã định kỳ ngày mùng 5 hằng tháng lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển cho Ngân hàng CSXH làm căn cứ cho vay. Ðồng thời, phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các đơn vị liên quan tuyên truyền chính sách của Chính phủ đến các cấp, ngành và người dân biết, thực hiện đảm bảo đúng quy định. Sau gần 2 tháng triển khai cho vay, các chương trình đạt kết quả tích cực. Đến nay, có 6 huyện, thành phố triển khai cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, tổng dư nợ 2,5 tỷ đồng, với 22 khách hàng vay vốn.

Người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn, mặc cảm, tự ti về quá khứ, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai. Việc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ là chính sách hết sức nhân văn, được xem là cánh cửa cho những người từng lầm đường, lỡ bước có điều kiện tái hòa nhập với cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Điều kiện vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg:
- Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù 5 năm về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, được Công an cấp xã lập và UBND cấp xã xác nhận.
- Đối với cho vay các cơ sở sản xuất kinh doanh, có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm, về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, được Công an cấp xã lập và UBND cấp xã xác nhận.
Mức vốn cho vay:
- Vay vốn để đào tạo nghề, tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù
- Đối với vay sản xuất sinh doanh tạo việc làm:
+ Người chấp hành xong án phạt tù: Mức vốn vay tối đa là 100 triệu đồng/người.
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh: Mức vốn vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới