Chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, huyện Thuận Châu đã triển khai các biện pháp theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Thiệt hại do thiên tai gây ra
Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Thuận Châu đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, giông, lốc, gió giật mạnh diện rộng. làm 1 người bị chết do sét đánh; các đợt mưa kéo dài, liên tục gây ra tình trạng sạt lở đất, đá lăn tại nhiều xã; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, diện tích đất sản xuất, nhà ở của người dân bị ảnh hưởng... ước tính thiệt hại trên 30 tỷ đồng.
Vào khoảng 17 giờ ngày 20/4, tại xã Chiềng Pấc, xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá kéo dài hơn 10 phút, gây thiệt hại 86 ngôi nhà của hộ dân các bản: Mảy, Lọng Mén, Xi Măng, Dân Chủ, Chiềng Pấc, Lĩnh Luông. Trong đó, 13 hộ bị tốc mái hoàn toàn, các hộ còn lại bị tốc mái từ 30 - 50%. Chị Lò Thị Thương, bản Dân Chủ, cho biết: Lúc xảy ra mưa to, vợ chồng tôi đi làm chưa về, 2 con đi chơi bên hàng xóm. Khi vợ chồng tôi về, nhà cửa tan hoang. Toàn bộ phần mái nhà bị mưa đá làm hư hỏng, đồ đạc trong nhà bị ướt hết. Xã đã huy động các lực lượng giúp dọn dẹp, di chuyển đồ đạc và lợp lại mái nhà.
Rạng sáng ngày 20/5, do ảnh hưởng của mưa lớn, ngôi nhà sàn 5 gian, 2 trái của gia đình ông Lường Văn Diện, bản Cà Cại, xã Phổng Lăng, đã bị sập đổ hoàn toàn. Ông Diện kể: Vào khoảng 5 giờ sáng, 5 thành viên trong nhà đang ngủ. Bất ngờ, đất đá tràn vào, không ai kịp chạy ra ngoài. Rất may mắn, nhà bị sập nhưng mọi người chỉ bị sướt sát ngoài da. Khi sự việc xảy ra, chính quyền xã, bà con trong bản đã đến thăm hỏi, động viên giúp đỡ gia đình tôi khắc phục hậu quả. Hiện nay, gia đình tôi đang ở tạm nhà em trai và đang tiến hành san nền để dựng lại nhà ở.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện và các xã, thị trấn đã khẩn trương phối hợp kiểm tra, thống kê thiệt hại; huy động các lực lượng khắc phục các khu vực sạt lở, nguy hiểm, đặt biển cảnh báo, cấm phương tiện trọng tải lớn để đảm bảo an toàn. Bố trí lực lượng hỗ trợ cùng gia đình di chuyển, sửa chữa, dựng lại nhà bị thiệt hại để bà con sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, huyện cũng bố trí ngân sách khắc phục, sửa chữa các công trình bị ảnh hưởng, tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ 2 hộ bị thiệt hại về người và 20 hộ gia đình phải di chuyển khẩn cấp với tổng kinh phí 646 triệu đồng...
Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai
Hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả phương án phòng, tránh lũ bão, giảm nhẹ thiên tai. Chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung rà soát khu vực tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra lũ quét tại dọc lưu vực suối Muội, suối Dòn và các xã: Phổng Lăng, Chiềng Pha, Chiềng Ly, Chiềng Bôm; lũ quét cục bộ tại các nhánh suối nhỏ tại các xã Bon Phặng, Nậm Lầu, Co Mạ, Bản Lầm, Mường Khiêng, Mường Bám; một số điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, đá thuộc các xã Nậm Lầu, Thôm Mòn, Tông Lạnh, Phổng Lập, Chiềng Bôm, Chiềng La, Bon Phặng, các xã vùng cao và các xã vùng tái định cư thủy điện Sơn La...
Ông Lò Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, thông tin: Từ tháng 6 đến tháng 10 là thời gian cao điểm mùa mưa. Chủ động ứng phó các tình huống do thiên tai gây ra, xã tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản về kế hoạch chỉ đạo, diễn biến các loại hình thiên tai. Cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai đến cộng đồng dân cư. Thực hiện phương châm phòng ngừa là chính, phát huy sức mạnh tổng lực, sẵn sàng ứng cứu, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra các công trình hồ chứa, các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các tuyến giao thông xung yếu để có biện pháp xử lý khi cần thiết. Tổ chức trực phòng chống bão lũ 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo, cảnh báo cho nhân dân. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ" (Vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, ứng cứu tại chỗ” và “3 sẵn sàng (Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả), từ đó hạn chế và giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Huyện tăng cường đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kè bảo vệ suối và các điểm bị sạt sụt; nạo vét, khơi thông làm thông thoáng dòng chảy các khu vực có nguy cơ bị ngập úng. Hiện nay, huyện đang tập trung cao cho công tác hoàn thành dự án kè phòng chống lũ, sạt lở đất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc suối Muội, giai đoạn II. Mục tiêu công trình nhằm tiêu dẫn nước và thoát lũ trên suối Nậm Muổi, đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, ngăn chặn sạt lở hai bên bờ suối. Quy mô, xây dựng kè bê tông trọng lực dài 1.847m; nạo vét lòng suối dài 935m; cống thoát nước; mương thủy lợi và hạng mục phụ trợ khác, tổng dự toán được phê duyệt là 70 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng công trình đã hoàn thành ước đạt 85% giá trị hợp đồng.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Thuận Châu tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phòng, tránh và ứng phó với các loại hình thiên tai. Duy trì trực 24/24 giờ để theo dõi, thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ; rà soát, bổ sung phương án phòng, chống bão lũ phù hợp với thực tế địa phương. Huy động nguồn nhân lực tại chỗ, sẵn sàng khắc phục bão lũ để ổn định đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!