Mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, tư tưởng lạc hậu này đã dẫn đến hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ta không ổn định và khó kiểm soát. Năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 118,2 bé trai/100 bé gái; năm 2021 là 122,2 bé trai/100 bé gái và năm 2022 là 116,4 bé trai/100 bé gái. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh.
Bác sỹ Lù Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố, chia sẻ: Theo hệ thống thông tin chuyên ngành dân số-KHHGĐ, năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh ở Thành phố là 121,8 bé trai/100 bé gái. Để giảm thiểu tỷ số chênh lệch này, Trung tâm tăng cường phối hợp với các xã, phường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về hệ lụy của mất cân bằng giới khi sinh. Phối hợp với các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa với nội dung về tác hại, hệ lụy lâu dài của tình trạng này, giúp các em có nhận thức về bình đẳng giới ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và trở thành tuyên truyền viên cho gia đình về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Cũng nói về việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, bác sỹ Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, cho biết: Năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện là 100 bé trai/98,9 bé gái. Là một trong những huyện có tỷ số chênh lệch giới tính thấp. Đạt được kết quả này, Trung tâm còn phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi trong huyện. Kiên quyết xử lý các cơ sở y tế thực hiện nạo phá thai liên quan đến phân biệt giới tính và dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, phấn đấu từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên.
Theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu của nhân dân. Đó là trọng nam khinh nữ; tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường; có con trai để thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ... Do khao khát có con trai nên nhiều trường hợp đã lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh, như siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, nạo phá thai với lý do lựa chọn giới tính...
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, cho hay: Sự chênh lệch giới tính khi sinh sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Bởi sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai; một bộ phận nam giới có thể phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ, nhất là nam giới là những người nghèo sẽ khó có khả năng kết hôn. Sự khủng hoảng về hôn nhân dẫn đến hậu quả về mặt nhân khẩu học và thay đổi trong hôn nhân và gia đình.
Triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn II (2021-2025) của tỉnh, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn và loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ trong toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo, đưa việc giáo dục giới tính vào các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa nội dung bình đẳng giới, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, nhằm tác động tích cực quan niệm về giới tính cho tuổi vị thành niên, thanh niên. Đồng thời, duy trì hoạt động câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” tại 34 trường THPT trên địa bàn 12 huyện, thành phố, tạo điều kiện cho nữ học sinh được chia sẻ quan niệm về tình bạn, tình yêu lành mạnh, từng bước thay đổi những định kiến về giới.
Hằng năm, các tổ chức đoàn thể đã lồng ghép tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh. Duy trì hoạt động mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ ba, giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh”, “Giới và bình đẳng giới”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”... Nội dung các cuộc sinh hoạt tập trung tuyên truyền về Pháp lệnh dân số; những tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh; về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội, nhằm từng bước thay đổi quan niệm về giới tính cho các thành viên câu lạc bộ.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giảm còn 113,4 bé trai/100 bé gái, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, còn rất cần cộng đồng, nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi về giới tính, thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức để từng bước đưa mức sinh về cân bằng, tự nhiên
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!