Trở lại xã Mường Chùm, huyện Mường La những ngày đầu xuân Giáp Thìn, hai bên tỉnh lộ 110, những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát, những tuyến đường bê tông nội bản rộng rãi, khang trang, trên các sườn đồi là những vườn cây ăn quả xanh tốt...
Ông Lò Văn Dong, Chủ tịch UBND xã Mường Chùm, cho biết: Cùng với việc hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống mương nội đồng, phục vụ sản xuất, những năm qua, xã vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng của xã Mường Chùm đạt gần 2.800 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 5.620 tấn/năm. Xã có gần 640 ha cây ăn quả các loại; 270 ha mía nguyên liệu cho Nhà máy mía đường Sơn La; 114 ha ngô giống và ngô ngọt bán cho Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung và Công ty DOVECO Sơn La. Chăn nuôi được chú trọng mở rộng quy mô đàn, gắn với nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, với trên 62.700 con gia súc, gia cầm. Các hộ ở trung tâm xã phát triển kinh doanh dịch vụ. Trên 1.400 lao động đi làm việc tại các tỉnh, nâng tỷ lệ lao động có việc làm đạt 97%. Thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,4%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Thành lập năm 2023, HTX nông nghiệp bản Pặt có 8 thành viên, quy mô sản xuất là 10 ha đất nông nghiệp. Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đã liên kết với Công ty DOVECO Sơn La cung ứng sản phẩm ngô ngọt. Anh Lò Văn Nhờ, Giám đốc HTX, cho biết: Phát huy tiềm năng, lợi thế tại địa phương, HTX đã vận động các thành viên chuyển cây ngô, sắn sang trồng ngô ngọt. Năm 2023, HTX đã trồng 10 ha ngô ngọt, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha; giá bán từ 4.500-5.000 đồng/kg, trừ chi phí thu 500 triệu đồng. Sau thu hoạch ngô ngọt, vụ đông, toàn bộ diện tích HTX trồng các loại đậu, sản lượng đạt 30 tấn đậu các loại, với giá 20.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí thu trên 450 triệu đồng. Năm 2024, HTX mong muốn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để cung ứng giống, phân bón cho bà con, mở rộng quy mô sản xuất lên 40 ha.
Anh Lò Văn Toàn, bản Pặt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mô hình trồng dâu tây. Năm 2020, sau khi được tham quan mô hình trồng dâu tây ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, anh bàn với gia đình cải tạo đất, mua giống và trồng dâu tây. Gia đình anh vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện để đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động. Với 3.000m2, mỗi vụ dâu tây trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng, điện đường, trường, trạm y tế của xã ngày càng khang trang. Các công trình sau đầu tư đã phát huy hiệu quả, phục vụ giao thương, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giúp bà con vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương. Năm 2023, toàn xã có 1.100 hộ đạt gia đình văn hóa; 309 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền; 100% các bản có đội văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được, xã Mường Chùm tiếp tục khuyến khích người dân phát triển mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhân rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao đời sống và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!