Điểm sáng trong quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng

Từ đầu mùa khô hanh đến nay, tại nhiều địa phương, cơ sở trong tỉnh đã xảy ra cháy rừng, nhưng ở bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, toàn bộ 1.662 ha rừng vẫn xanh tốt. Nhiều năm qua, bản Lùn luôn được đánh giá là cơ sở làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng tiền dịch vụ MTR, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu làm đường băng cản lửa PCCCR.

Dẫn chúng tôi vào khu vực mà bà con vẫn hay gọi là khu “khá quai” có nghĩa là mõ trâu, vì hơn 10 năm về trước, toàn bộ diện tích 5,7 ha này là đất trống, đồi trọc và bãi hoang để bà con chăn thả trâu, bò; giờ đây đã phủ màu xanh của rừng tái sinh. Rừng được chăm sóc, bảo vệ tốt, có rất nhiều cây gỗ đường kính đã lên gần 20 cm. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vì Văn Hạnh bảo, kết quả đó là nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là từ khi có chính sách chi trả dịch vụ MTR, toàn bộ diện tích rừng ở bản đã có chủ, bà con có thêm sinh kế từ nghề rừng, không còn tình trạng phá rừng làm nương, bà con tích cực tham gia trồng rừng sản xuất. Vụ trồng rừng năm nay, bản đã đăng ký với Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu trồng 5.000 cây tếch từ nguồn được chi trả dịch vụ MTR.

Bản Lùn có 182 hộ, trong đó có 1 chủ rừng là cộng đồng bản và 64 chủ rừng là hộ gia đình. Bắt đầu từ năm 2012, bản được chi trả tiền dịch vụ MTR, từ đó đến nay, diện tích, chất lượng rừng liên tục được tăng lên, hiện nay ở bản không còn đất trống, đồi trọc, theo đó, số tiền dịch vụ MTR được chi trả cũng tăng lên theo từng năm. Hơn 10 năm qua, trung bình mỗi năm, cộng đồng bản được chi trả từ 300-350 triệu đồng dịch vụ MTR, việc sử dụng đều họp dân công khai và đưa vào hương ước, quy ước của bản, gắn với công tác bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt,  từ năm 2018 đến nay, sau khi quy chế quản lý bảo vệ rừng, quản lý sử dụng tiền dịch vụ MTR của bản được phê duyệt, việc sử dụng thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và chính quyền xã.

Cùng với đầu tư lại cho công tác bảo vệ rừng, nhiều công trình phục vụ đời sống, sản xuất của bà con được xây dựng. Trong đó, 25 thành viên tổ bảo vệ rừng được trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện phục vụ bảo vệ, PCCCR, mỗi thành viên được trả thù lao 150.000 đồng cho một lần tuần tra. Bên cạnh đó, bản đã thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm và dành 70 triệu đồng từ nguồn dịch vụ MTR để cho các thành viên vay phát triển kinh tế.

Chị Hoàng Thị Huấn, nhóm trưởng, nhóm phụ nữ tiết kiệm, chia sẻ: Nhóm phụ nữ tiết kiệm được thành lập với mục đích tạo ra một kênh tài chính để khuyến khích chị em trong bản có ý thức tiết kiệm tiền, mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào các hoạt động sinh kế, tạo thu nhập từ sản xuất, giảm lệ thuộc vào rừng.

Nhà văn hóa bản Lùn được đầu tư xây dựng khang trang.

Điểm nổi bật trong việc sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ MTR ở bản Lùn, là năm 2022, bản được nhà nước hỗ trợ 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, bản đã trích 300 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa khang trang, với đầy đủ thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm bản chi hàng trăm triệu đồng xây dựng, tu sửa hệ thống đường nội bản, liên bản, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.

Cùng bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vì Văn Hạnh ra khu sản xuất, chúng tôi hết sức ấn tượng với hệ thống kênh mương, những ruộng ngô, ruộng lúa, rau xanh thường xuyên được cấp đủ nước, đường nội đồng được cứng hóa xe tải nhỏ có thể vào tận nơi chở nông sản.

Hệ thống kênh mương nội đồng ở bản Lùn được bê tông hóa.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vì Văn Hạnh thông tin: Đến nay, toàn bộ các tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa; 3,2 km đường nội đồng được đổ bê tông và rải cấp phối, hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố, bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất; bản đã lắp đặt gần 2 km đường điện chiếu sáng, tổng kinh phí gần 85 triệu đồng đều trích từ tiền được chi trả dịch vụ MTR. Đặc biệt, trên địa bàn vừa có doanh nghiệp liên doanh với Hàn Quốc triển khai dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô 1,5 ha trồng dâu tây, rau sạch trong nhà kính. Doanh nghiệp vừa tổ chức tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho bà con tham gia sản xuất và giúp bản khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chia tay bản Lùn, khi bà con vừa có thêm một tin vui mới, cây cầu dân sinh qua suối ra khu sản xuất và nối với quốc lộ 37 trước đây chỉ xe máy đi được đã được khởi công xây dựng thành cầu bê tông, với tổng mức đầu tư 2,3 tỷ đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, bản trích từ nguồn dịch vụ MTR 300 triệu đồng. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vì Văn Hạnh phấn khởi nói: Ở bản Lùn bây giờ không còn hộ nghèo, năm 2022, thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/người, phấn đấu năm 2023, thu nhập tăng lên hơn 55 triệu đồng/người.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới