Trong chuyến công tác huyện Vân Hồ, chúng tôi có dịp đến với khu tái định cư bản Láy, xã Tân Xuân, nơi ở mới của các hộ đồng bào dân tộc Mông di chuyển từ vùng lõi khu vực rừng đặc dụng quốc gia Xuân Nha chuyển về định cư tại đây. Cảm nhận về cuộc sống nơi đây khá yên bình, với con đường bê tông kiên cố, những ngôi nhà khang trang, cùng các công trình thiết yếu được đầu tư xây dựng, bao quanh bản là những nương ngô xanh tốt.
Dẫn chúng tôi thăm quan khu tái định cư, anh Sồng A Hành, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Láy, xã Tân Xuân, cho biết: Khu tái định cư bản Láy có 47 hộ, 300 nhân khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Mông. Trước kia, các hộ dân sống dưới chân núi Pha Luông có tên gọi là bản A Lang nằm trong khu vực rừng đặc dụng quốc gia Xuân Nha, điều kiện sống khó khăn, điều kiện sống thiếu thốn, không có điện, không có điểm trường, không sóng điện thoại và còn nhiều hộ nghèo.
Để thực hiện tốt các quy định về bảo vệ rừng đặc dụng, nhất là công tác PCCCR, ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép, năm 2016, huyện Vân Hồ đã quy hoạch điểm tái định cư tại bản Láy để di chuyển các hộ ra khỏi rừng đặc dụng. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Vân Hồ, cho biết: Khu tái định cư có quy mô 3 ha, mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở, được đầu tư điện lưới quốc gia, công trình nước sinh hoạt, điểm trường mầm non...
Thời gian đầu, công tác tuyên truyền, vận động bà con di chuyển ra khỏi rừng đặc dụng về điểm tái định cư gặp rất nhiều khó khăn, do tập quán sinh hoạt, sản xuất chủ yếu là nương rẫy. Huyện Vân Hồ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha và chính quyền xã tuyên truyền cho bà con các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng đặc dụng; chuyển đến điểm tái định cư không chỉ có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, mà còn góp phần bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ môi trường sống. Năm 2016, có 12 hộ đầu tiên chuyển đến khu tái định cư. Tuy nhiên, 35 hộ còn lại do quen với tập quán sinh hoạt ở vùng cao chưa đồng thuận chuyển về nơi ở mới.
Ông Nguyễn Văn Khảm, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, chia sẻ: Với quyết tâm di chuyển các hộ còn lại ra khỏi rừng đặc dụng, ổn định đời sống, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiên trì vận động bà con chuyển đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, đến tháng 5 vừa qua, 35 hộ còn lại đã nhất trí chuyển hết về điểm tái định cư. Các hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng và chi phí chuyển đồ đạc, nhà cửa. Ngoài ra, xã huy động cán bộ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể cùng Bộ đội Biên phòng, Công an huyện, chung tay giúp đỡ nhân dân vận chuyển, dựng nhà trên nơi ở mới.
Trước kia ở bản cũ, hằng ngày, chị Lầu Thị Nhừ, phải từ dậy sớm để đưa con đi học ở điểm trường cách nhà 6km, mỗi khi trời mưa đường trơn đi lại rất khó khăn. Chị Lầu Thị Nhừ phấn khởi nói: Chuyển xuống đây có đường đi lại dễ dàng hơn, các cháu được học gần nhà, có điện lưới để xem ti vi giải trí và tiếp cận thông tin khoa học áp dụng vào sản xuất; các con có ánh sáng học bài buổi tối. Bà con ai cũng phấn khởi.
Chia tay bà con điểm tái định cư bản Láy, mặc dù trước mắt kinh tế còn có khó khăn, nhưng bà con phấn khởi khi được sinh sống ở nơi có điều kiện tốt hơn. Với sự quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất của chính quyền địa phương, giúp bà con an cư, lạc nghiệp và xây dựng bản ngày càng khởi sắc hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!