Trên địa bàn tỉnh có 94 chợ, trong đó có 6 chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình từ ban quản lý chợ sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác. Các chợ sau khi được giao cho doanh nghiệp khai thác đều tăng thu ngân sách so với hình thức quản lý cũ; tạo việc làm cho lao động nông thôn, đóng góp vào sự tăng trưởng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của địa phương.
Hiệu quả khi chuyển đổi mô hình quản lý
Là chợ hạng II với quy mô rộng 7.600 m², chợ Trung tâm huyện Bắc Yên đang có 76 tiểu thương kinh doanh nhiều mặt hàng. Trước đây, khi chưa giao cho doanh nghiệp quản lý, các nhóm ngành hàng trong chợ sắp xếp chưa hợp lý, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo. Mặt khác, hàng năm, huyện Bắc Yên phải chi nguồn kinh phí khá lớn để duy trì hoạt động ban quản lý chợ.
Từ năm 2015, huyện Bắc Yên thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo hình thức xã hội hóa, tổ chức đấu thầu, giao cho doanh nghiệp quản lý đã sắp xếp lại các ngành hàng thành từng nhóm khoa học, thuận tiện hơn cho tiểu thương buôn bán. Bên cạnh đó, các hạng mục xuống cấp thường xuyên được sửa chữa kịp thời, tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp. Mỗi năm, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước hơn 700 triệu đồng.
Ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý chợ Trung tâm huyện, thông tin: Sau khi nhận bàn giao chợ từ UBND huyện, doanh nghiệp đã tuyên truyền, vận động tiểu thương chấp hành quy định, đảm bảo trật tự trong kinh doanh mua bán; phát huy hiệu quả hoạt động của chợ theo hướng văn minh, đảm bảo mỹ quan, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Việc thu các loại phí đối với tiểu thương được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Bà Nguyễn Thị Thủy nhiều năm kinh doanh mặt hàng thổ cẩm tại chợ chia sẻ: Chúng tôi ủng hộ, nhất trí cao khi doanh nghiệp tiếp nhận, quản lý chợ. Hoạt động kinh doanh buôn bán được chấn chỉnh nền nếp, không còn tình trạng tự ý cơi nới, lấn chiếm lối đi; các gian hàng, ki-ốt được sắp xếp hợp lý, các khoản phí được thực hiện công khai, minh bạch giúp các tiểu thương kinh doanh ổn định.
Gỡ khó để chuyển đổi
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu phấn đấu các chợ trong toàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý theo hình thức xã hội hóa.
Tuy nhiên đến nay, cả tỉnh còn tới 88 chợ chưa thực hiện chuyển đổi, vẫn hoạt động theo hình thức cũ. Tìm hiểu nguyên nhân được biết, từ năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành có nhiều nội dung chưa đồng nhất với Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, khiến nhiều địa phương trong tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc trong quy trình tổ chức đấu giá, lựa chọn doanh nghiệp, HTX quản lý và kinh doanh, khai thác chợ theo quy định do chưa có căn cứ pháp lý và văn bản hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, một số chợ đã bán một phần quầy, sạp, ki-ốt cho tiểu thương trong quá trình hoạt động hoặc bị thất lạc các hợp đồng cho thuê quầy, sạp... dẫn đến khó khăn trong việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi để bàn giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý; ký lại hợp đồng cho thuê với tiểu thương.
Ngoài ra, mô hình chợ truyền thống hiện nay đang vấp phải sự cạnh tranh không nhỏ từ các hình thức bán hàng online, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… làm giảm sút doanh thu. Điều này, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi quyết định lựa chọn xây dựng, cải tạo, quản lý chợ.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, làm cơ sở tiếp tục triển khai cho các chợ trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đang tích cực phối hợp với các cơ quan phụ trách của Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ tham gia dự thảo Nghị định sửa đổi, trình Chính phủ xem xét ban hành. Đồng thời, tham mưu trình UBND tỉnh một số giải pháp, trong đó, phương án khả thi nhất là UBND các huyện có thể gia hạn hợp đồng với doanh nghiệp, HTX đến thời điểm Chính phủ ban hành nghị định mới hoặc nghiên cứu triển khai theo các quy định về đấu giá...
Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ là xu thế phát triển tất yếu, để thực hiện hiệu quả chủ trương này, UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chợ.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ tới các hộ kinh doanh, công khai minh bạch phương án hoạt động chợ sau chuyển đổi, xem xét giải quyết hợp lý các kiến nghị, đề xuất của tiểu thương, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các chợ truyền thống bằng việc áp dụng các mô hình chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các ngành hàng, dịch vụ thương mại...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!