Ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp được hòa mình vào không khí phiên chợ xuân Huổi Cuổi, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Sáng sớm, bà con đã tấp nập về họp chợ, những cô gái dân tộc Thái, dân tộc Mông khoe bộ váy áo mới với nhiều sắc màu sặc sỡ, làm cho không gian phiên chợ thêm nhiều gam màu sống động.
Ông Phạm Văn Thuận, Trưởng ban Quản lý chợ Huổi Cuổi, nói: Chợ Huổi Cuổi họp 5 ngày 1 lần. Sau tết dương lịch thì phiên chợ xuân Huổi Cuổi đã bắt đầu, dịp này, lượng khách và người bán tới chợ rất đông. Mỗi một phiên chợ có khoảng 50 - 60 gian hàng, trên diện tích gần 2.000 m². Ngoài một số những sạp hàng của các thương lái buôn bán đồ dùng thiết yếu, thì chợ chủ yếu là hàng hóa nông sản của người dân các xã mang tới để trao đổi, giao thương với nhau. Vậy nên phiên chợ xuân Huổi Cuổi luôn có rất nhiều những khách hàng từ xa tới vừa mua sắm, vừa tham quan và trải nghiệm.
Khác với ngày thường, phiên chợ ngày xuân Huổi Cuổi mở từ sáng sớm, khi sương mờ vẫn còn giăng mắc những ngọn núi, đỉnh đồi, tiếng nói, tiếng cười của người mua, người bán rộn ràng phố núi.
Ấn tượng đầu tiên ghé phiên chợ xuân Huổi Cuổi, là khu vực bán những giỏ đựng lợn con. Lợn ở đây được bán theo con, giá trung bình 1-1,5 triệu đồng/con. Một điểm đặc biệt là người mua đều rất ít khi trả giá, bởi lợn ở đây đã có tiếng chất lượng thịt thơm ngon.
Anh Lò Văn Nhinh, xã Pá Ma Pha Khinh, nói: Gia đình tôi đã có nghề kinh doanh buôn bán “lợn cắp nách” từ lâu. Vào thời điểm năm mới đến, số lượng lợn bán ra rất nhiều và luôn đắt khách, bởi ngoài chất lượng tốt, giá thành phải chăng, đôi khi còn có phần rẻ hơn so với nhiều nơi khác, nên được nhiều người tìm mua.
Ngoài ra, còn có những mặt hàng mang đậm những nét văn hóa rất riêng của đồng bào các dân tộc nơi đây, như: Áo cóm, khăn piêu, xà tích, chõ đồ xôi... những sạp hàng này, thường thu hút những thiếu nữ dân tộc đến lựa chọn mua đồ diện tết, tạo nên không khí xuân tươi vui, làm cho khu chợ vùng cao rộn ràng hơn ngày thường. Khu vực ẩm thực là vui nhất bởi có rất nhiều những món ăn: gà nướng, pa pỉnh tộp, cơm lam, cá tép dầu, của miền núi hay những món ăn của miền xuôi: Bún gà, phở bò, bánh rán, bánh cuốn...
Nét độc đáo là bà con xây bếp lò, đốt củi, những nồi nước dùng sôi sùng sục, những kẹp gà nướng, cá nướng dậy mùi mắc khén khói nghi ngút, tỏa mùi thơm khiến nhiều người khó cưỡng. Thực khách quây quần bên những chiếc bàn gỗ, thưởng thức món ngon nóng hổi, cùng nhâm nhi chén rượu nếp nương và dành cho nhau những câu chuyện và kể về những dự định, những mong muốn về một năm mới đang tới.
Ngoài việc gặp gỡ, giao thương, buôn bán các sản phẩm, theo bà con nơi đây, phiên chợ xuân Huổi Cuổi còn là nơi để người dân vùng sông nước Quỳnh Nhai mua sắm các đồ dùng phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi, chài lưới.
Họ tin rằng, điều đó sẽ mang lại những điều may mắn cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Anh Điêu Chính Xuân, xóm 3, xã Mường Giàng, chia sẻ: Tết đến, xuân sang, chúng tôi đến chợ chọn mua các loại giống cây ăn quả về trồng, cầu mong cho một năm mới làm ăn nhiều thuận lợi.
Lần đầu tiên được tham gia trải nghiệm phiên chợ Huổi Cuổi, trong chuyến du lịch Quỳnh Nhai, gia đình anh Bùi Danh Tùng (Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng trước sự nhộn nhịp và thú vị của phiên chợ Huổi Cuổi. Anh Tùng nói: Ngày đầu xuân, gia đình tôi được trải nghiệm một không gian hoàn toàn khác lạ so với phiên chợ của vùng đồng bằng. Tôi có thể cảm nhận được rất nhiều những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Quỳnh Nhai. Tôi và gia đình cảm thấy rất thú vị được thưởng ngoạn chợ xuân của đồng bào nơi đây.
Rời phiên chợ xuân Huổi Cuổi, ai cũng có trên tay món đồ ưng ý. Chợ phiên vùng cao nhộn nhịp, đông vui, đây không chỉ là nơi người dân giao lưu, mua sắm, trao đổi hàng hóa, còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa mang bản sắc các dân tộc của vùng quê sông nước Quỳnh Nhai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!