Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

Những năm qua, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.

Giọng nữ
Mô hình trồng nhãn của nhân dân bản Chiềng Xôm, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã. 

Xã có 25 bản, trong đó, 7 bản nằm dọc quốc lộ 4G, 5 bản vùng cao, còn lại là các bản vùng thấp. Hằng năm, xã đã tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo cho nhân dân, vận động bà con không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên phát triển sản xuất để thoát nghèo. Sử dụng nguồn vốn từ các chương trình để hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nay, Chiềng Cang có 1.321 hộ dân được vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng dư nợ 72,5 tỷ đồng.

Ông Quàng Văn Long, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã hướng dẫn nhân dân phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn cây trồng mới, cây lâu năm, cây công nghiệp có giá trị kinh tế để đầu tư phát triển. Vận động nhân dân thành lập HTX liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, sản xuất tập trung, quy mô bền vững. 

Hiện nay, Chiềng Cang có 1.322 ha cây ăn quả, trong đó, hơn 1.000 ha nhãn, còn lại là cây ăn quả khác. Duy trì hoạt động hiệu quả của 7 HTX hoa quả, 1 HTX nông nghiệp hữu cơ và 1 HTX nông, lâm nghiệp, với quy mô sản xuất là 330 ha. Trong đó, hơn 150 ha cây ăn quả của các HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP; 4 HTX được cấp 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, với gần 90 ha nhãn... Một số hộ dân bản Bó Lạ còn trồng 3 ha cây mắc ca. Các hộ dân thuộc 5 bản vùng cao chuyển 60 ha trồng ngô sang trồng cây cà phê. Đây là những cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.

Hằng năm, nhân dân trong xã còn thâm canh 280 ha lúa ruộng 2 vụ, với các giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, gieo trồng 100 ha lúa nương, hơn 2.400 ha ngô, 275 ha sắn. Duy trì chăn nuôi 16.700 con gia súc và 82.000 con gia cầm. Trồng 50 ha cỏ làm thức ăn chăn nuôi gia súc.

Nhân dân bản Anh Trung có 64 ha nhãn đã cho thu hoạch, 20 ha nhãn đang chăm sóc và 10 ha xoài. Sản lượng ước đạt gần 800 tấn quả các loại/năm. Ông Nguyễn Hữu Sỹ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Bà con trong bản đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cây ăn quả, nhất là mô hình nhãn rải vụ. Bản có 15 - 20 hộ dân chăn nuôi quy mô từ 10 - 50 con lợn thịt. Từ phát triển cây ăn quả và chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo  giảm còn 4,1%. Nhiều gia đình có thu nhập từ 300 - 600 triệu đồng, như gia đình các ông Bùi Ngọc Sang, Vũ Anh Minh, Nguyễn Hữu Dậu, Ngô Văn Tương... Có thu nhập khá, nhiều hộ có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, đầu tư các phương tiện hiện đại phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Gia đình anh Lò Văn Phóng, bản Chiềng Cang là một trong những hộ sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, với mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Anh Phóng cho biết: Từ mô hình nhỏ nuôi vài con lợn, đến nay, gia đình tôi có hơn 100 con lợn thịt, với 2 chuồng nuôi (180 m2/chuồng). Nhờ áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đàn vật nuôi phát triển tốt. Hơn 10 tháng qua, gia đình đã xuất bán 10 tấn lợn thịt. Ngoài ra, bán 4 con trâu, chăm sóc 1 ha nhãn miền. Trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình đạt 320 triệu đồng.

Nhân dân bản Chiềng Xôm, xã Chiềng Cang, chăn nuôi đại gia súc. 

Phát huy lợi thế có quốc lộ 4G đi qua, UBND xã khuyến khích nhân dân đầu tư, mở rộng các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại. Trên địa bàn xã có 190 hộ kinh doanh dịch vụ vừa và nhỏ. Hằng năm, xã còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp được tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trong xã đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Hiện nay, xã có 370 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh, thu nhập từ 9 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã Chiềng Cang giảm còn 27,8%. Dự kiến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,8%. Tiếp tục bám sát các định hướng phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhân dân xã Chiềng Cang đã và đang đoàn kết, nỗ lực giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới