Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đường nội bản Mường Nưa, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã được bê tông.

Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Đến hết tháng 1/2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã hỗ trợ gần 241 tỷ đồng giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; kết nối việc làm thành công cho 20.722 lao động; đào tạo nghề cho 3.107 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh... Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức 14 buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho hơn 6.000 học sinh các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm 3%/năm; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT đạt 53,3%...

Về xã nông thôn mới Mường Lầm, huyện Sông Mã, cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của vùng đất khó ngày nào; nhiều ngôi nhà được xây dựng kiên cố, những con đường bê tông sạch đẹp trải dài đến từng bản, thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa. Ông Lò Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lầm, phấn khởi: Xã có 8 bản, gần 1.300 hộ, trên 6.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái, Mông. Từ nguồn vốn các chương trình, chính sách dân tộc, giờ đây 8 bản của xã đã có nhà văn hóa; 20 tuyến đường liên bản, nội bản được bê tông sạch đẹp; kênh mương thủy lợi, nhà lớp học và trạm y tế xã đầu tư xây dựng khang trang; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 4%... Những kết quả đạt được, giúp xã hoàn thiện các tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Ông Lò Văn Thiên, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Sông Mã, cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã đầu tư hơn 74 tỷ đồng xây dựng 80 công trình và thực hiện duy tu các công trình tại 15 xã khu vực III; 4 bản đặc biệt khó khăn thuộc 3 xã khu vực I; giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động trên các xã, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., giúp đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc.

Tiếp tục chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Phấn đấu năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020; hằng năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới...

Bài, ảnh: Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới