Câu chuyện của người lính hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trôi qua gần 50 năm nhưng câu chuyện về một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào vẫn luôn in sâu trong tâm trí của cựu chiến binh Ngô Xuân Tư, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên.

Giọng nữ
Ông Ngô Xuân Tư chia sẻ với con cháu những kỷ vật đã gắn bó trong những năm tháng kháng chiến.

Theo giới thiệu của Hội CCB huyện Phù Yên, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Ngô Xuân Tư, người lính hậu cần tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đang sinh sống tại tiểu khu 7, thị trấn Phù Yên. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Tư vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, đôi mắt tinh tường. Lấy cho chúng tôi xem những kỷ vật chiến tranh mà ông vẫn nâng niu gìn giữ. Ông Tư giới thiệu: Chiếc bình bi đông cũ từng theo tôi suốt các chặng hành quân dài ngày, qua rừng núi, qua chiến hào. Chiếc bát ăn cơm sứt miệng đã gắn bó với tôi mỗi bữa cơm vội giữa tiếng pháo, tiếng súng, khi thì chan canh rau rừng, khi chỉ có nắm cơm nguội.

Ông Ngô Xuân Tư sinh năm 1952, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tại xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Tháng 2/1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, chàng trai trẻ Ngô Xuân Tư đã xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 571, Trung đoàn 5, Sư đoàn 350, đóng quân tại Quảng Ninh.

Tháng 5/1972, sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng các đồng đội được điều động vào Sư đoàn 320B tại Quảng Trị, thực hiện nhiệm vụ hậu cần, vận chuyển lương thực, đạn dược, dựng kho, nấu ăn, phục vụ chiến sĩ chiến đấu. Mùa hè năm 1972, thành cổ Quảng Trị là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Để đến được các khu vực tập kết nuôi quân, đơn vị phải vượt suối, băng rừng, di chuyển ban đêm để tránh máy bay địch, nhưng thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, như pháo kích, mìn và bom bi. Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng người lính hậu cần vẫn luôn có mặt tại nơi ác liệt nhất, đảm bảo tiếp tế lương thực, vũ khí.

Với ông Tư, 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị là những ngày đau xót nhất, từng phút, từng giờ nghe tin báo từ tiền tuyến những người đồng đội lần lượt hy sinh, máu của họ thấm đỏ dòng sông Thạch Hãn. Ông Tư kể: Tôi nhớ nhất là sự hy sinh của Trung đoàn 54, hầu hết là lính trẻ quê ở Thái Bình. Có những người không kịp gọi tên mẹ, không kịp viết lá thư cuối cùng, chỉ còn lại chiếc mũ sắt méo mó, cuốn sổ tay đẫm máu.

Ông Tư kể tiếp: Tháng 9/1973, khi chiến tranh vẫn còn ác liệt, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng tại Quảng Trị. Tôi cùng đồng đội được phân công tham gia công tác hậu cần và bảo vệ Chủ tịch. Nhiệm vụ là kiểm tra, rà bom mìn, đảm bảo an toàn tuyến đường từ đầu cầu Hiền Lương vào thành cổ Quảng Trị. Tuyến đường bị bắn phá ác liệt từ các trận chiến, nên việc sửa chữa rất vất vả. Dưới cái nắng miền Trung gay gắt, cả đơn vị làm việc không ngơi nghỉ, vừa dựng lại các cột mốc, vừa lót ván qua đoạn đường sạt lở.

Những kỷ vật chiến tranh được ông Tư cất giữ cất giữ.

Cuối năm 1973, ông Tư được điều về Sư đoàn 320A, đóng tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa, tiếp tục công tác hậu cần, củng cố lực lượng. Đến tháng 2/1975, đơn vị của ông tiếp tục hành quân vào Sài Gòn. Ông Tư xúc động nhớ lại: Trưa 30/4, đơn vị nhận được tin quân ta chiếm được Dinh Độc Lập, Sài Gòn giải phóng, ai cũng phấn khởi, hò reo vui mừng.

Một ngày sau, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp quản Dinh Độc Lập, được tận mắt nhìn thấy lá cờ của quân Giải phóng tung bay trên nóc Bộ Tổng Tham mưu của địch, chứng kiến nhân dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón quân Giải phóng, hô vang “miền Nam giải phóng rồi, đất nước thống nhất rồi...”. Thời khắc ấy, chúng tôi vui sướng không nói nên lời. Trong những ngày ở Sài Gòn, đơn vị làm nhiệm vụ giữ an ninh, đề phòng các nhóm chống phá, ổn định tâm lý cho nhân dân.

Năm 1976, ông Tư tiếp tục làm công tác hậu cần tại Sư đoàn 320A đóng tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa và tham gia bảo vệ biên giới. Đến năm 1982, ông xuất ngũ, chuyển ngành về làm việc tại Công ty Thủy điện Phù Yên II, ông đưa gia đình chuyển từ Hưng Yên về tiểu khu 7, thị trấn Phù Yên sinh sống. Năm 2000, ông được nghỉ chế độ hưu trí.

Với những đóng góp trong kháng chiến, ông Ngô Xuân Tư được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Trở về với cuộc sống đời thường, ông tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia các công tác xã hội, giáo dục truyền thống cách mạng, trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Hoài Trang (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới