Bay xa hương chè Trọng Nguyên

Về Phỏng Lái - mảnh đất màu mỡ dưới chân đèo Phạ Đin lịch sử, chúng tôi được nghe câu chuyện về chị Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, người đã xây dựng và đưa sản phẩm chè Trọng Nguyên vươn tầm thế giới.

Khách hàng thưởng chè tại tư gia chị Nguyễn Thị Bình.

Tạm gác lại công việc trên những cánh đồng chè ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, chị Nguyễn Thị Bình dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi sau nhiều lần lỡ hẹn. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về người làm nên thương hiệu chè Trọng Nguyên là một người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, mái tóc ngắn với nụ cười thường trực trên khuôn mặt có phần xạm đi bởi sương gió. 

Chị Bình tâm sự: Loại chè Kim Tuyên này có nước sánh vàng, hương thơm, tuy độ ngọt không bằng chè Shan tuyết nhưng lại được khách hàng ưa chuộng và giá thành cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa giống chè Shan tuyết vào sản xuất, loại chè có màu xanh đậm này cũng được nhiều thị trường ưu chuộng. Đó là 2 loại chè chúng tôi lựa chọn để xây dựng thương hiệu chè Trọng Nguyên.

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè Phổng Lái, tuổi thơ của chị Bình gắn liền với những đồi chè xanh ngút ngàn, đắm chìm trong hương vị thơm ngát của những mẻ chè mẹ sao bên bếp lửa. Vị chát, ngọt của chè Phỏng Lái đã đi vào bữa ăn, giấc ngủ của chị. 

Ngấp ngụm chè đang tỏa hương thơm ngát, chị Bình nhớ lại: Cây chè trên đất Phỏng Lái được trồng từ năm 1960 bởi những người quê gốc Thái Bình mang theo khi lên xây dựng vùng kinh tế mới, ban đầu chỉ trồng chè để uống. Diện tích trồng chè ở Phỏng Lái được mở rộng, thành cây trồng thế mạnh, chủ lực vào những năm 1980 khi có các công ty thu mua để xuất khẩu sang Liên Xô. Gắn bó với cây chè từ bé, cũng bởi vậy mà chị Bình luôn mong muốn đưa thương hiệu chè của Phỏng Lái bay xa hơn. 

Nhân dân Phỏng Lái thu hái chè.

Sau khi học xong, chị Bình không đi xin đi làm ở cơ quan Nhà nước mà lựa chọn ở nhà và gắn bó với cây chè. Những ngày đầu do chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, việc sản xuất hoàn toàn bằng thủ công nên năng suất chè thấp. Cùng với đó, vào năm 2012, chè Phỏng Lái rơi vào khủng hoảng, năng suất, chất lượng, giá thành... giảm sút, nhiều hộ dân đã nghĩ đến việc phá bỏ cây chè để trồng các loại cây trồng khác. 

Quyết tâm không để lụi tàn cây trồng đã gắn bó với cuộc đời mình, sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2013, chị Bình cùng với một số hộ nông dân cùng ý tưởng xây dựng nên thương hiệu chè Phổng Lái, từ đó HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được thành lập. 

Ban đầu HTX của chị chỉ tập trung sơ chế chè và bán thô, trong một lần có các đồng chí lãnh đạo huyện đến thăm xưởng sơ chế chè, chị Bình đã biếu ít chè làm quà, nhưng lúc đó chè chỉ được đựng trong túi nilon thông thường. Thấy vậy, một đồng chí lãnh đạo huyện đã vận động chị không chỉ sơ chế chè, mà phải xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, có bao bì mẫu mã đẹp thì lúc đó những búp chè mới có giá trị. Tuy việc bán chè sơ chế vẫn có thị trường, như chỉ là những thị trường dễ tính, hơn nữa những búp chè của Thuận Châu phải “núp bóng” thương hiệu khác, nên giá trị cây chè bị giảm và sản phẩm của bà con không bán hết được.

Với suy nghĩ rằng tại sao cây chè ở các tỉnh khác như Thái Nguyên lại có thương hiệu, trong khi các giống chè của Thuận Châu có chất lượng đảm bảo lại chưa làm được? Cùng những lời động viên của các đồng chí lãnh đạo huyện, chị Bình quyết tâm tìm hướng xây dựng thương hiệu. Năm 2018, chị đã mời một số người có kinh nghiệm sản xuất chè ở Thái Nguyên sang hướng dẫn cách làm chè thương hiệu, nhưng cách làm của họ không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở Sơn La. Chị Bình đã trực tiếp sang Thái Nguyên tìm đến một số mô hình hiệu quả và chị đã được hỗ trợ rất nhiều.

Cũng trong năm 2018, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể cho 3 đơn vị sản xuất chè, trong đó có HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận. Khi ấy có thương hiệu Trà Thu Đan, họ chỉ sản xuất giống chè ô long, còn HTX của chị Bình xây dựng thương hiệu chè Trọng Nguyên với 2 loại chè Shan tuyết và Kim Tuyên, đơn vị còn lại họ chỉ sơ chế chè. Đây cũng là cơ hội cho HTX bứt phá đi lên.

Chị Nguyễn Thị Bình giới thiệu trà Trọng Nguyên cho khách hàng.

Khi tích lũy đủ kiến thức làm chè, chị Bình nhận thấy loại chè ở Phỏng Lái hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng thương hiệu, nên đã vận động bà con tiếp tục phát triển loại chè này. Chị đã đầu tư 1 tỉ đồng để nâng cấp hệ thống sản xuất chè. Nhờ có máy móc hiện đại, chị Bình cam kết bao tiêu chè cho bà con, nhân dân phấn khởi quay lại với cây chè. Từ chỗ diện tích chè chỉ có 300 ha, đến nay vùng chè đã được mở rộng tới 1.300 ha. HTX của chị Bình liên kết bao tiêu cho khoảng 400 hộ dân. Đến năm 2019, mọi điều kiện cần đã có, chị Bình đã cho ra đời thương hiệu chè Trọng Nguyên mang đậm những tinh túy của đại ngàn Thuận Châu. Giờ đây, thứ “vàng xanh” ở Phỏng Lái đã trở thành sản phẩm chất lượng, được giới mê chè trong và ngoài tỉnh biết đến thương hiệu còn mới mẻ này.

Để có được sản phẩm trà thơm ngon, chị chỉ đạo các hộ liên kết phải chọn cánh chè đẹp, chọn vườn nơi có sự chăm sóc tốt; chỉ thu hái búp ngắn, không lấy lá chè già để tạo cánh chè đẹp, đặc biệt là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng. Trước đây, chè búp chỉ có giá khoảng 6-7 nghìn đồng/kg, nhưng khi thu hái theo tiêu chuẩn kỹ thuật, HTX sẵn sàng mua với giá giao động từ 15-30 nghìn đồng/kg. Hơn nữa việc lựa chọn nguyên liệu, quản lý chặt chẽ khâu chế biến được HTX coi trọng. Sau thu hái chè tươi phải phơi khoảng 2 tiếng đồng hồ đến khi búp chè tỏa hương thơm thì đưa vào máy sấy, vò.

Anh Nguyễn Văn Kiên, bản Quỳnh Tiên Hưng, là một trong những hộ trồng chè từ lâu trên đất Phỏng Lái. Cây chè của gia đình anh cũng đã có lúc gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, nhưng từ khi liên kết với HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Anh Kiên chia sẻ: Gia đình tôi có 1ha chè, mỗi năm HTX bao tiêu khoảng 14 tấn chè tươi với giá bán đổ 8.500 đồng/kg. Nhờ có HTX hướng dẫn kỹ thuật, bao nhiêu sản phẩm nên gia đình yên tâm gắn bó với cây chè.

Sau nhiều năm "ăn ngủ" với cây chè, đến bây giờchị Bình đã có thể cảm nhận chè bằng tay, ngửi hương chè để nhận biết được độ khô, dẻo của búp chè. Cứ mỗi mẻ chè ra lò thì chị đều pha một ấm tự uống một mình để cảm nhận, bởi vậy chất lượng chè Trọng Nguyên luôn được kiểm soát chặt chẽ, được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Hiện nay, thị trường của chè Trọng Nguyên chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc, năm 2023, HTX đã xuất khẩu 400 tấn chè. Thị trường trong nước thì hầu như các tỉnh đều có, đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh đặt hàng làm quà. Chị Bình cho biết: Thời gian tới: HTX tìm vùng nguyên liệu ở vùng cao xã Co Mạ, ở đây nhân dân đang trồng giống chè Shan tuyết, chất lượng ở đây tốt hơn, sẽ bao tiêu chè cho bà con.

Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Thuận Châu, thông tin:  Chè Trọng Nguyên là 1 trong 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của huyện Thuận Châu từ năm 2019 và đã được đánh giá lại năm 2023. Sản phẩm chè Trọng Nguyên nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, không chất phụ gia. Thời gian tới, phòng tham mưu cho huyện mở rộng vùng nguyên liệu; tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng công nghệ mới trong các khâu chế biến, không dùng chất cấm trong sản xuất, bảo quản. Định hướng của huyện là tiếp tục duy trì phát triển vùng nguyên liệu chè tại xã Phỏng Lái; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến chè về mặt chính sách, kỹ thuật... để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Câu chuyện về trà Trọng Nguyên không chỉ là hành trình xây dựng thành công một thương hiệu, mà còn là minh chứng cho sự kiên trì, đam mê và tinh thần không ngừng học hỏi của những người làm chè trên đất Thuận Châu, họ tiếp tục xây dựng Trọng Nguyên trở thành biểu tượng của chất lượng, để vươn xa hơn nữa ở thị trường nước ngoài... góp phần gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa thưởng trà của người Việt.

 

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới