Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Toàn tỉnh Sơn La có hơn 593.268 ha rừng tự nhiên, 76.528 ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 48%. Lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp với tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ, phát triển rừng.

Giọng nữ
Cán bộ kiểm lâm Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La cùng tổ bảo vệ rừng cơ sở kiểm tra bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Chi cục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông mở các chuyên mục tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng; kết hợp tuyên truyền lưu động, hệ thống loa phát thanh, pano, áp phích và trực tiếp tại các xã, thôn, bản, tiểu khu. Chỉ đạo Hạt kiểm lâm các khu vực, các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp; vận động nhân dân sống gần rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, gắn với các chương trình sinh kế từ rừng; hướng dẫn xây dựng nội quy, quy ước bảo vệ rừng đến từng tổ, bản, cụm dân cư; xây dựng củng cố tổ đội bảo vệ rừng ở tất cả các bản, tiểu khu có rừng làm hạt nhân tuyên truyền và bảo vệ rừng ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường trình UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Ban quản lý các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tăng cường bảo vệ và PCCCR. Tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến và kinh doanh lâm sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Cán bộ kiểm lâm Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La cùng tổ bảo vệ rừng cơ sở phát đường băng phòng cháy rừng.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở mở 614 cuộc tuyên truyền tại các xã, bản, với trên 49.670 lượt người nghe; phát 1.400 tờ rơi về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh tại các xã, bản, tiểu khu với 3 thứ tiếng (phổ thông, tiếng Thái, tiếng Mông); sử dụng thiết bị loa kéo tuyên truyền lưu động đến các xã, bản có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao… Lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 151 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm 50 vụ so với cùng kỳ năm 2024.

Ông Trần Đức Vinh, Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thuận Châu, thông tin: Giữ màu xanh 67.736 ha rừng hiện còn, đơn vị chỉ đạo kiểm lâm địa bàn sâu sát với cơ sở, bám dân, bám rừng, dựa vào dân để giữ rừng. Từ đầu năm đến nay, Hạt đã tổ chức 111 cuộc họp cấp bản, với hơn 10.200 lượt người nghe và ký cam kết bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức 1 hội nghị cấp xã, với 40 người tham gia; phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững SRD hướng dẫn các chủ rừng thực hành phương án chữa cháy rừng. Hạt đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 9 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Nhờ bảo vệ rừng tốt, nhân dân bản Sẳng Sang, xã Muổi Nọi phát triển nghề nuôi ong.

Tại bản Sẳng Sang, xã Muổi Nọi, quản lý, bảo vệ 458 ha rừng, nhiều năm qua, không để xảy ra cháy rừng, không phát, phá rừng làm nương, nhờ đó, nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất đảm bảo đủ quanh năm. Riêng năm 2024, bản được chi trả 109,5 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng; các hộ gia đình được chi trả 89 triệu đồng, tạo động lực để nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Anh Đèo Duy Thước, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Sẳng Sang, xã Muổi Nọi, chia sẻ: Bản xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng; thành lập Tổ bảo vệ rừng của bản gồm 11 thành viên; Tổ bảo vệ và phát triển rừng theo dự án của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững SRD, với 20 người, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền về bảo vệ rừng.

Với sự vào cuộc chủ động tích cực của lực lượng Kiểm lâm trong việc tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm vi phạm, tăng tính răn đe, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và trách nhiệm của nhân dân đối với bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển rừng bền vững tại địa phương.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Lâm nghiệp 2017, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân: Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ rừng. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ rừng về cháy rừng, sinh vật gây hại rừng và hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng; chấp hành sự huy động nhân lực, phương tiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra cháy rừng.
Bài, ảnh: Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới