Bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả đất quy hoạch lâm nghiệp

Năm 2023, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, nhiều đợt nắng nóng kéo dài, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy rừng, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm gần 16% so với năm 2022; toàn tỉnh trồng được 2.533 ha rừng đặc dụng - phòng hộ, rừng sản xuất và gần 1,6 triệu cây phân tán, tỷ lệ che phủ nâng lên 47,5%.

Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu năm, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định công bố hiện trạng rừng tỉnh Sơn La năm 2022, kế hoạch theo dõi diễn biến rừng năm 2023 và chỉ đạo các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện các hạng mục lâm sinh, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, phối hợp với đơn vị tư vấn làm việc với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát đất lâm nghiệp. Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý và chủ động cập nhật các biến động về rừng và đất lâm nghiệp.

Kiểm lâm địa bàn và nhân dân xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã tuần tra bảo vệ rừng.

Ngay đầu mùa khô năm 2023, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung xây dựng, củng cố hệ thống đường băng cản lửa, đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trong các khu rừng đặc dụng, xây dựng các trạm bảo vệ rừng, khu vườn lưu giữ động vật rừng quý hiếm. Đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong theo dõi diễn biến rừng và PCCCR, khai thác, vận hành hệ thống cảnh báo mất rừng, suy thoái rừng và cảnh báo sớm cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc tăng cường theo dõi, cập nhật số liệu hàng ngày về công tác PCCCR cập nhật lên hệ thống trung tâm IOC tỉnh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và PCCCR được tăng cường. Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố tích cực phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng, đơn vị và đoàn thể địa phương, cơ sở gắn triển khai chính sách, chương trình dự án phát triển lâm nghiệp bền vững với phổ biến nội quy, quy ước bảo vệ rừng đến từng tổ, bản, cụm dân cư.

Ông Phạm Quang Cảnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha, thông tin: Với tổng diện tích 18.173 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, 10.185 ha rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, cùng với triển khai chương trình hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng - phòng hộ, Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha đã tích cực phối hợp với chính quyền các xã, ban quản lý 17 bản trong rừng đặc dụng duy trì 17 tổ bảo vệ, PCCCR của các bản, ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với 1.432 hộ sinh sống và canh tác bên trong rừng đặc dụng. Trong năm, toàn bộ diện tích rừng do đơn vị quản lý không để xảy ra cháy rừng.

Đặc biệt, với việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng, năm 2023, toàn tỉnh có 10.139 chủ rừng được chi trả gần 243 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn kinh phí này, các xã bản đã có điều kiện đầu tư trở lại phục vụ công tác bảo vệ, PCCCR, duy trì, củng cố các tổ, đội bảo vệ rừng cộng đồng và đầu tư xây dựng các công trình phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Lò Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, cho biết: Trên địa bàn xã có 4.433 ha rừng đặc dụng, phòng hộ và 1.410 ha rừng sản xuất. Cùng với tập trung triển khai chính sách phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp, tạo thêm việc làm cho nhân dân từ nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ. Trung bình mỗi năm các chủ rừng được chi trả hơn 500 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng, giúp cho xã có nhiều thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định bảo vệ và PCCCR, ổn định diện tích sản xuất nương rẫy, nhiều năm qua, trên địa bàn xã không để xảy ra vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ và PCCCR.

Năm 2024, mục tiêu nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 48%, cùng với tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý quy hoạch 3 loại rừng, tăng cường quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tập trung nâng cao chất lượng công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, sử dụng hiệu quả 694.741 ha đất quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tăng cường công tác quản lý đầu tư và hướng dẫn triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới