Là huyện vùng cao, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bắc Yên còn gặp nhiều khó khăn, nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển dịch cơ cấu việc làm giải quyết cho lao động nông thôn đang được huyện Bắc Yên triển khai nhiều giải pháp, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Hiện nay, huyện Bắc Yên có khoảng 41.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, trên 6.000 lao động từ 15-18 tuổi chưa được đào tạo, có nhu cầu làm việc. Hằng năm, huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các xã, thị trấn rà soát số lượng, độ tuổi lao động; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, cơ sở sản xuất, tư vấn học nghề cho thanh niên trong độ tuổi lao động; mở các lớp tập huấn, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm mới cho lao động trên địa bàn huyện.
Từ năm 2022 đến nay, huyện duy trì tổ chức Ngày hội việc làm, tạo điều kiện cho các trường đào tạo nghề, các công ty, doanh nghiệp giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng lao động, vị trí tuyển dụng, chế độ chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động. Tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục để xuất khẩu lao động đối với những người lao động có nhu cầu. Ngày hội thu hút hàng nghìn lao động, đoàn viên, thanh niên của 16 xã, thị trấn và học sinh cuối cấp THPT, THCS các trường trong và ngoài huyện. Qua đó, giúp người lao động lựa chọn việc làm phù hợp.
Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Ngày hội việc làm là cầu nối gắn kết doanh nghiệp với người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, cơ hội giúp người lao động tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Người lao động có thêm nhiều lựa chọn, cơ hội tìm việc làm phù hợp với điều kiện, khả năng, sức khỏe của bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp. Giúp ĐVTN lập nghiệp; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tìm kiếm được việc làm, có thu nhập đảm bảo cuộc sống, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tại xã Tạ Khoa có nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, xã đã phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng giới thiệu người dân tìm hiểu, lựa chọn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nhân dân trên địa bàn, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có năng suất, chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Bắc Yên đã hỗ trợ, kết nối việc làm thành công cho gần 1.000 lao động; tạo việc làm cho 1.777 lao động; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Ông Đinh Văn Sắng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Sập Việt, xã Tạ Khoa, cho biết: bản có 252 hộ, 1.400 nhân khẩu; trong đó, trên 900 người trong độ tuổi lao động. Thông qua kết nối của xã, huyện, hiện nay, bản có hơn 200 là lao động đi làm tại các doanh nghiệp ở các tỉnh, với mức thu nhập từ 8-15 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, không còn khó khăn như trước nữa.
Chuyển dịch cơ cấu, đáp ứng cung cầu về việc làm của lao động, huyện Bắc Yên tiếp tục hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ, tạo việc làm, phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Yên có 47,5% lao động qua đào tạo, góp phần, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 4%/năm trở lên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!