Trước khi lên đường đến Davos, Thụy Sĩ để tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 WEF, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva bày tỏ quan ngại rằng, gần 40% việc làm trên toàn cầu sẽ chịu tác động của AI, trong đó các nền kinh tế phát triển và một số thị trường mới nổi sẽ chứng kiến 60% việc làm bị ảnh hưởng. Theo bà Georgieva, con số này sau đó sẽ giảm xuống 40% với các thị trường mới nổi và 26% với các nước có thu nhập thấp.
Báo cáo của IMF nêu rõ, 50% việc làm chịu ảnh hưởng của AI sẽ bị tác động tiêu cực, trong khi số còn lại có thể hưởng lợi từ sự cải thiện năng suất lao động nhờ AI.
Nền tảng công nghệ này ban đầu có ít tác động đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cũng như khả năng được hưởng lợi từ AI của các nước này cũng thấp hơn; điều này có thể làm gia tăng cách biệt về thu nhập giữa các nước. Người lao động lớn tuổi có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn từ những thay đổi mà AI mang lại, do họ khó thích nghi hơn với công nghệ mới.
Bà Georgieva cho rằng cần đưa ra các chính sách phù hợp để giải quyết những lo ngại này, trong đó tập trung hỗ trợ các nước có thu nhập thấp để họ có thể nắm bắt được những cơ hội mà AI mang lại. Bà khẳng định dù có rủi ro, nhưng AI vẫn là cơ hội lớn cho mọi người.
Những quan ngại nêu trên không phải là không có cơ sở. Cộng đồng lái xe taxi đang “đứng ngồi không yên” trước nguy cơ thất nghiệp hiển hiện trước mắt khi chứng kiến những chiếc xe không người lái do AI điều khiển chạy ngày một nhiều trên các đường phố của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… và một ngày không xa sẽ trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Khi đó, vị trí của những lái xe taxi truyền thống, thậm chí cả lái xe công nghệ cũng sẽ dần được thay thế bằng các “tài xế AI”.
Tự động hóa trong việc giao hàng, cửa hàng tự động và các công nghệ mua sắm trực tuyến có thể tác động đến các công việc bán hàng truyền thống. Máy tính thông minh và hệ thống AI có thể thay thế con người đảm nhiệm nhiều tác vụ ngân hàng và tài chính truyền thống.
Một số công việc y tế, quản lý có thể được tối ưu hóa hoặc tự động hóa bằng cách sử dụng công nghệ AI; chatbot và hệ thống trả lời tự động có thể thay thế nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng. Với công nghệ AI, giám đốc sẽ có trợ lý ảo chứ không nhất thiết phải thuê thư ký hành chính; công ty không cần nhiều nhân viên. Nhiều người từng nghĩ rằng AI chỉ có thể thay thế những nghề đơn giản và những công việc mang tính trí tuệ như là đồ họa, sáng tạo, hội họa, nhiếp ảnh hay lập trình gần như không bao giờ thay thế được.
Giờ đây với ứng dụng AI, lập trình là một trong những công việc được dự báo sẽ bị tác động lớn trong 2-3 năm tới. Đơn cử trước đây sản xuất một sản phẩm phải mất ba ngày, nay dùng AI, chỉ cần 3 giờ. Theo ông Steve Chase, trưởng nhóm tư vấn tại công ty tư vấn và kiểm toán KPMG (Mỹ), mối quan ngại nêu trên hoàn toàn có thể hiểu được, bởi với hầu hết các tiến bộ công nghệ, nỗi sợ hãi ban đầu của người lao động về nguy cơ mất việc làm và bị thay thế là không tránh khỏi.
Hội nghị WEF năm 2024 được tổ chức từ ngày 15-19/1, tại thành phố Davos, Thụy Sĩ với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, trong đó AI là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Lãnh đạo WEF nhấn mạnh, vấn đề ứng dụng và kiểm soát AI đang trở nên rất quan trọng đối với nhân loại, vì vậy cần có chính sách để khai thác và kiểm soát AI, đồng thời quản lý các thách thức pháp lý và tiến bộ công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Gilbert F.Houngbo nhận định, nhiều cảnh báo đưa ra rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ lấy mất công việc của nhiều người, nhưng chúng cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội, việc làm mới. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo đảm những người lao động làm việc trong các lĩnh vực có sự can thiệp của AI được nâng cao kỹ năng, đón nhận xu thế mới, loại hình công việc mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!