Chuyển đổi số - Xu hướng để phát triển

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển, mở ra nhiều cơ hội và có tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Việc chuyển đổi số bước đầu đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phương thức sống, làm việc của người dân...

Thành phố làm việc với Chi nhánh Viettel Sơn La về xây dựng đô thị thông minh.          

           

Trong những năm qua, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành các hệ thống dùng chung của tỉnh, như: Thư điện tử, quản lý văn bản đi đến, cổng, trang thông tin điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, giao ban trực tuyến; hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã tiếp tục được quan tâm triển khai đồng bộ.

           

 Sơn La đã đầu tư xây dựng nền tảng dịch vụ tích hợp và chia sẻ dùng chung LGSP tỉnh Sơn La kết nối với hệ thống kết nối, liên thông quốc gia NGSP của Chính phủ và xây dựng cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính dùng chung của tỉnh. Bên cạnh đó, duy trì các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung, gồm: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã; Hệ thống camera giám sát an ninh; Hệ thống truyền hình trực tuyến phiên tòa; Hệ thống Cổng thông tin điện tử; Hệ thống An ninh mạng; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt phổ biến, triển khai các ứng dụng CNTT, phần mềm chuyên ngành.

           

Sở Thông tin và Truyền thông đã cung cấp dịch vụ công mức độ 4 phục vụ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng trong toàn tỉnh đạt 21,9%. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh tỷ lệ tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử đạt 100%. Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ xã có hạ tầng băng rộng cáp quang đạt 89% (182/204 xã); Tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 28%; Tỷ lệ cơ quan Nhà nước có kết nối băng rộng cố định đạt 500/525 đơn vị. Có 1.355 tuyến truyền dẫn cáp quang đến tất cả các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Hạ tầng viễn thông được các doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng đầu tư tới vùng sâu, vùng xa, đặc biệt đã triển khai mạng di động 3G đến 100% xã, phường, thị trấn; mạng di động 4G đến 96% xã phường thị trấn; tỷ lệ dân số được phủ sóng 3G đạt 80,52%; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 81,43%, tốc độ tải dữ liệu 4G đạt 30 Mb/s.

           

Lĩnh vực kinh tế số của tỉnh tuy mới hình thành, nhưng đã xuất hiện nhiều hình thức dịch vụ mới, như: 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; nhiều doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Lĩnh vực giáo dục, phương pháp dạy và học đã thay đổi, có thể học online; phổ cập kết nối internet cho mọi người tiếp cận với giáo dục và đào tạo với chi phí thấp, thúc đẩy giáo dục từ xa, xuyên biên giới. Lĩnh vực y tế sử dụng công nghệ sinh học kết hợp với công nghệ số; nhiều bệnh viện đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, thiết bị di động và công nghệ học máy đã rút ngắn thời gian chẩn đoán và kế hoạch điều trị phù hợp với từng người bệnh.

           

Chuyển đổi số để phát triển, tỉnh Sơn La phấn đấu năm 2025, đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; có trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%... Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại thành phố Sơn La và huyện Mộc Châu.

           

Ông: Đỗ Văn Trụ

Chủ tịch UBND Thành phố

           

Tạo nền tảng cơ sở cho hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, Thành phố đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice); Cổng thông tin điện tử (VNPT-Portal); hệ thống quản lý lưu trú (VNPT-ORM); hệ thống quản lý nhà trường (VnEdu)... Hiện, Thành phố đang phối hợp triển khai hệ thống phòng họp không giấy (VNPT E-Cabinet); xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối chia sẻ trên toàn Thành phố và kết nối với cơ sở dữ liệu của tỉnh...

           

Ông: Phạm Quốc Chinh

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

           

Với mục tiêu phát triển xanh, nhanh, phát triển bền vững, phát triển dựa trên trụ cột khoa học công nghệ, tỉnh Sơn La đã có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm, khát vọng chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

           

Bà: Lê Thị Song Hảo

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La

           

Điện lực Sơn La đã chuyển đổi 6 trạm biến áp 110KV thành trạm biến áp không người trực; triển khai tích hợp hệ thống Điều khiển xa 120 trạm cắt Recloser trung thế trên địa bàn vào trung tâm. Hệ thống phần cứng, phần mềm Spectrum 5 của Siemens có độ dự phòng 1-1; màn hình cỡ lớn phục vụ giám sát vận hành; có các chức năng tính toán tối ưu, tự động hóa lưới điện, quản lý các khu vực lưới điện thông minh... góp phần cùng EVN chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2022.

           

Chị: Lò Thị Bình

Bản Bó, phường Chiềng An (Thành phố)

           

Với chiếc điện thoại thông minh, tôi cài đặt phần mềm VssID của BHXH, tra cứu các thông tin như mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và các điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ngoài ra, VssID còn giúp tôi có thể giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động của người sử dụng lao động.

           

Lam Giang, Thủy Tiên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới