Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị, năm 2017, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Ảnh minh họa.
Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 50, sáng 12/7, UBTVQH cho ý kiến báo cáo về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2017 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017; dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Tại phiên họp, báo cáo về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2017, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Năm 2017 là giai đoạn đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 với nhiều quy định mới được ban hành, trong đó có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bối cảnh đó, đòi hỏi các cơ quan hữu quan phải tích cực, khẩn trương triển khai các công việc liên quan với yêu cầu hiệu quả, chất lượng cao. Do vậy, việc dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2017 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng phải được lựa chọn một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, đảm bảo tính khả thi của chương trình.
Từ 187 nội dung đề xuất của các cơ quan, trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội trình UBTVQH xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung: (1)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016; (2)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); (3)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; (4)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; (5)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển; (6)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đều đánh giá các nội dung trên đều rất quan trọng, tuy nhiên, do chỉ được chọn 4 chuyên đề nên cần chọn những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Thanh Hải đề nghị, Quốc hội giám sát tối cao với chuyên đề số 1,5. Bà lí giải, chuyên đề 1 là vấn đề lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng đến đời sống sức khỏe nhân dân; còn chuyên đề thứ 5 sẽ lồng ghép được nhiều vấn đề, đặc biệt là an ninh, an toàn trên biển – đây đang là vấn đề được cử tri rất quan tâm.
Đối với giám sát của UBTVQH, bà đề nghị chọn chuyên đề số 2,3.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận xét, chuyên đề 4 thì chung chung, quá trừu tượng; còn chuyên đề 6 quá rộng. Do đó, ông bày tỏ ủng hộ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển; thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn chuyên đề 2 sẽ do UBTVQH giám sát.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề số 1 và 3; đồng thời, đề nghị UBTVQH giám sát hai chuyên đề số 2, 5.
Đánh giá các vấn đề còn lại cũng rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các Ủy ban, Hội đồng dân tộc lựa chọn vấn đề để giám sát; đồng thời gợi ý, Hội đồng Dân tộc có thể giám sát vấn đề đào tạo con em đồng bào dân tộc, có cử tuyển hay không, tạo việc làm như thế nào? Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng có thể đi vào giám sát việc đào tạo đại học, sau đại học liên kết với nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu , “tránh một địa phương có hai đoàn giám sát đến dù là hai vấn đề khác nhau. Đoàn giám sát cũng nên đi gọn, thiết thực, thành phần đoàn cũng thiết thực, tránh mời nhiều mà không ai đến”.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: UBTVQH thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; UBTVQH giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2017; Hội đồng dân tộc giám sát khoảng 3 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề.
Về nội dung giám sát chuyên đề, UBTVQH thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề số 1 (dự kiến giao Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì thực hiện) và chuyên đề số 3 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung).
UBTVQH giám sát chuyên đề số 2 (dự kiến giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung) và chuyên đề số 5 (dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung).
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, “giám sát là vấn đề quan trọng, không nên dàn trải, ít mà chất lượng cao. Đây là điều người dân rất mong mỏi”.
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017, dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Theo dự thảo Tờ trình, UBTVQH dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đối với 07 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 gồm 29 dự án luật và 01 dự án nghị quyết của Quốc hội.
Một trong những điều chỉnh đáng chú ý trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 là đề nghị tiếp tục lùi dự án Luật Biểu tình. Theo ông Lê Minh Thông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự án này đã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án Luật này. Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!