Vùng đất Sơn La là nơi sản sinh ra nhiều tác phẩm văn học dân gian có giá trị về văn hóa - lịch sử và giàu hình tượng nghệ thuật. Đây cũng là mạch nguồn cảm hứng, là nền tảng để các thế hệ văn nghệ sĩ của Sơn La tiếp nối, đưa vào các sáng tác văn học đương đại mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.
Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh có 1 chi hội văn nghệ dân gian và 7 chi hội văn học các huyện, thành phố. Các chi hội là nơi tập hợp những cây viết ở nhiều lĩnh vực, mỗi hội viên mang đến một màu sắc riêng trong cách sưu tầm, sáng tác và thể hiện tác phẩm, đóng góp cho văn học Sơn La thêm đa dạng và phong phú. Điểm chung trong hoạt động sáng tác của hội viên chuyên ngành văn học là đa số các tác phẩm mang dấu ấn của miền đất, con người Sơn La - Tây Bắc, tạo nên nét độc đáo, khác biệt, hướng đi riêng của văn học Sơn La trong nền văn học đương đại.
Bà Lò Thị Na Ly, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Các hội viên trong lĩnh vực văn học thường xuyên có tác phẩm mới, sáng tác theo chủ đề, sự kiện. Hoạt động sáng tác đa dạng, với 5 loại hình, gồm: văn xuôi, thơ phổ thông, thơ tiếng dân tộc, phê bình lý luận văn học và nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian, Chi hội Văn nghệ dân gian chỉ có 9 hội viên, từ 60 đến 90 tuổi, nhưng đã đóng góp nhiều tác phẩm nổi bật ở lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian các dân tộc. Ông Đinh Văn Liển, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh, chia sẻ: Các hội viên đều có quá trình hoạt động lâu dài, nhiều tác giả đồng thời là những nghệ nhân dân gian tâm huyết với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả; các tác giả Cầm Vui, Cà Văn Chung, Đinh Quang Chưởng,... Dù đã cao tuổi, các tác giả vẫn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, với mong muốn truyền lại cho thế hệ con cháu kho tàng văn học, tri thức dân gian dân tộc thông qua các tác phẩm bằng văn bản cụ thể thay vì truyền miệng như trước đây.
Bên cạnh đó, văn học Sơn La có không ít cây bút tài năng với nhiều tác phẩm xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Điển hình như cây viết trẻ Kiều Duy Khánh trong lĩnh vực văn xuôi với tuyển tập nhiều truyện ngắn, tản văn hay, phong cách viết riêng, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo mang hình ảnh Sơn La - Tây Bắc. Những tác phẩm như: Tập truyện ngắn “Bí mật dưới vực sâu”, “Buổi đi săn cuối cùng”, “Chim gọi ngày đã hót”, “Trở về với núi”, “Khói chiều biên ải”... để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Ngoài ra, các tác giả, như Nguyễn Vũ Điền, Trần Nguyên Mỹ... đã có nhiều tuyển tập truyện ngắn, bút ký xuất sắc.
Lĩnh vực thơ có tác giả Lương Mỹ Hạnh, Ngô Quang Đức, Dương Thị Mùi, Trịnh Mỹ Duyên, Trần Đại Tạo. Lĩnh vực phê bình văn học có tác giả Hoàng Kim Ngọc. Cùng rất nhiều tên tuổi quen thuộc trên tạp chí “Suối Reo”, với những tác phẩm hay, được bạn đọc đón nhận. Không ít tuyển tập thơ, truyện ngắn, sưu tầm văn học dân gian đã được xuất bản, đăng tải trên các báo, tạp chí và đoạt giải cao tại các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật cấp tỉnh, khu vực và Trung ương, khẳng định tài năng và ghi nhận đóng góp của các tác giả với văn học Sơn La.
Với việc khai thác những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, ngợi ca vẻ đẹp con người, miền đất Sơn La, những thành quả đổi mới của tỉnh, các tác phẩm văn học đã thổi hồn nhịp sống đương đại, mang phong vị dân gian dân tộc, hiện thực hóa văn hóa, con người Sơn La - Tây Bắc, bằng những ngòi bút vừa sắc sảo, vừa dung dị, gần gũi, làm nổi bật hình ảnh về miền đất giàu truyền thống cách mạng. Mỗi tác giả đã và đang không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cống hiến cho văn học Sơn La ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!