Thung thăng miền di sản

Người thiên hạ thì truyền nhau, mùa xuân mà chưa được về “miền lúng liếng” - Kinh Bắc là thiệt thòi, là thiếu hẳn cái tình xuân rạo rực, bồi hồi...

Về “miền lúng liếng”...

Xuân đương chín, men xuân hãy còn bịn rịn Giêng Hai, nghĩa là còn cơ hội cho người người thung thăng du lãm, chiêm bái đền chùa, dạo xem phong cảnh, gặp gỡ tao nhân mặc khách, tham gia những canh hát chay, hát mộc miên man, nối tiếp từ chạ anh sang chạ em, hòa mình vào không khí hội hè đình đám rộn ràng khắp miền đất thơm danh hương di sản Bắc Ninh- Kinh Bắc...

“Tháng Giêng mưa dưới bến/ Mỏng mai cô lái đò/ Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ” (Nguyễn Việt Chiến). Chẳng hiểu vì sao, mỗi khi lãng du miền Kinh Bắc trong nét xuân dịu nhẹ, chan hòa thì những tứ thơ ấm áp, mơn man ấy lại như thì thầm bên tai tôi.

Người thiên hạ thì truyền nhau, mùa xuân mà chưa được về “miền lúng liếng” - Kinh Bắc là thiệt thòi, là thiếu hẳn cái tình xuân rạo rực, bồi hồi... Nói vậy cũng chẳng quá lời, bởi dường như những gì tinh hoa nhất, độc đáo nhất, thiêng liêng nhất của mùa xuân xứ Bắc đều được chắt chiu gom góp đưa về chưng cất rồi bừng nở ngát hương ở miền đất thi ca, nghĩa tình dấu yêu này.

Bắc Ninh - một mảnh đất đã được lịch sử lựa chọn làm cái nôi sinh thành của dân tộc. Điều này sử sách đã chứng thực, nhiều học giả đương đại cũng đã nhắc đi nhắc lại. Biết bao vàng son tên tuổi, bao công lao hiển hách, huy hoàng còn đậm in trên giấy gấm, bao dấu tích vật chất từ sâu trong lòng đất đến những chùa tháp, đình đền, lăng mộ, bến sông vẫn hiện diện trầm mặc, thiêng liêng.

Dừng chân miền đất cổ Luy Lâu-Siêu Loại-Thuận Thành, thăm bãi bồi phù sa làng Á Lữ, viếng lăng mộ nội tổ Vua Hùng - Kinh Dương Vương đã khai thiên sáng thủy; thăm trung tâm phật giáo chùa Dâu, sang chùa Bút Tháp chiêm ngưỡng những kiệt tác kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật trên gỗ, đá, thấy trái tim rung động nhẹ nhàng như có thứ tình yêu lặng lẽ len lỏi vào tâm tư. Tiếng chuông chùa ngân vọng một cõi yên bình, gột rửa những muộn phiền canh cánh, mang đến sự thư thái tâm hồn, làm nảy nở bao ước vọng. 

Một chiều xuân Quan họ.

Triền đê sông Đuống lại đưa ta lạc vào thế giới của nghệ thuật thị giác Đông Hồ, thấy tự hào rưng rưng niềm xúc động. Những tranh gà, tranh lợn, chăn trâu thổi sáo, hứng dừa, đánh ghen, đám cưới chuột... vừa rất đời thường vừa lãng mạn, mộc mạc là thế mà gửi gắm bao khát khao tâm hồn người Việt.

Thật ngạc nhiên khi biết rằng, từ thế kỷ trước, những bức tranh quê làng Mái hồn nhiên ấy đã được trân trọng treo trưng bày ở nhiều bảo tàng mỹ thuật lừng danh thế giới cho những vị khách sành nghệ thuật khắp địa cầu thưởng lãm mà trầm trồ tấm tắc. Điều đó đủ thấy giá trị chân xác của dòng tranh dân gian Đông Hồ độc đáo và đặc sắc có một không hai trên thế giới.

Từ bên ấy bờ Nam xuyên qua cây cầu vắt ngang sông Đuống để sang bên này tiếp tục hành trình ngao du vùng non tiên Phật Tích đầy ắp những huyền tích ly kỳ với trầm tích và dấu vết vật chất nghìn năm rất đỗi tự hào.

Trước cửa thiền là hàng linh thú đá vững chãi, bề thế, ung dung tự tại, thản nhiên cùng tuế nguyệt. Bước vào tòa thượng điện, ta dọn sạch lòng mình, chiêm bái tượng Phật Adiđà - một Bảo vật Quốc gia bằng đá xanh nguyên khối.

Lên đỉnh Lạn Kha, tựa lưng bên gốc thông già, nghe điệu nhạc của cây và gió dìu dặt như tiếng đàn, tiếng sáo, tự hỏi, đâu bàn đá cờ tiên mà chàng tiều phu Vương Chất mải mê xem đến nỗi “kìa, rìu lim cũng mục mất rồi!”; đâu bóng chàng tri huyện Từ Thức cởi áo gấm chuộc nàng tiên nữ Giáng Hương khi nàng chẳng may sơ ý chạm gãy một cành mẫu đơn trong lúc dạo chơi rồi bị nhà chùa giữ lại!?

Giữa cảnh “sắc-không” nơi cửa thiền tĩnh lặng mà phảng phất, bồng bềnh hương vị chốn thần tiên đã dệt nên lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích để cứ mỗi độ xuân sang, trong làn mưa bụi phiêu diêu bồng bềnh sương khói, du khách thập phương lại dập dìu trảy hội, chiêm bái tượng phật và gửi gắm ước vọng về một cuộc sống an lạc ở chốn nhân gian trần thế.

Bắc Ninh-Kinh Bắc, một miền đất ngàn năm xông trầm khói tỏa với những niêm những luật, với những lễ nghi, đình đám, hội hè... Xuân đến, mái đình cổ rêu phong bỗng giật mình thức giấc trong tiếng trống hội thùng thình, giục giã. Sân đình óng ả nắng xuân, tưng bừng nghi thức tế lễ, rước sách vốn đã được cộng đồng quy định nghiêm ngặt từ thành phần tham dự đến trình tự thực hành, diễn xướng. Mối giao cảm giữa quá khứ-hiện tại-tương lai được thiết lập, chuyển giao qua từng nền nếp, phong tục, lễ nghi như vậy đó!

Sang đến vùng đất “tam Cổ, ngũ Phù” sừng sững uy nghiêm đền Lý bát đế linh thiêng, phụng thờ các bậc minh vương triều Lý - triều đại thịnh trị lâu dài nhất trong sử vàng dân tộc. Đó là vương triều đã định đô Thăng Long, xây tháp Báo Thiên, dựng chùa Một Cột, mở Văn Miếu Quốc Tử Giám, tổ chức khoa thi chọn hiền tài giúp nước, đắp đê giúp dân, đánh giặc cứu nước, đọc bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên - Nam quốc sơn hà trên bến sông Như Nguyệt... và dựng nền văn hiến của kỷ nguyên Đại Việt.

Bắc Ninh - đất lành tụ vượng khí, đất địa linh ắt sẽ sản sinh nhân kiệt và rồi chính những nhân kiệt đã thao thiết tận hiến, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, làm rạng rỡ phong thổ, xây đắp truyền thống, bồi góp cho đất Kinh Bắc địa linh.

Trải dặm dài hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi đây ghi dấu bao chiến công lẫy lừng: Từ Thánh Gióng đánh giặc Ân đến Hai Bà Trưng chiêu mộ nghĩa binh phất cờ khởi nghĩa, rồi các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... chưa bao giờ mảnh đất “phên dậu” trấn Kinh Bắc thiếu đi “nguyên khí hiền tài”.

Với một miền quê mà “đi lên gặp Tiến sĩ, đi xuống gặp Quận công” thì điều đó là tất yếu, đâu cần phải chứng minh thêm nữa! Cũng ở đây, còn những bến sông êm đềm nước chảy, tưởng chừng rất đỗi hiền hòa phẳng lặng hôm nay, nhưng trong quá khứ từng sóng nổi hào hùng gắn liền với các trận thủy chiến chống giặc ngoại xâm, khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Đó là dòng Như Nguyệt, là bến Bình Than, là bãi Nguyệt Bàn mênh mang sóng vỗ...

Khép lại một vòng tròn lãng du miền di sản Bắc Ninh-Kinh Bắc, trở lại trung tâm thành phố miền Quan họ, không thể không ghé thăm làng Diềm- nơi phụng thờ Thủy tổ Vua Bà, chính là nàng Nhữ Nương tài sắc, thơm hương đã khai sinh ra những làn điệu dân ca trữ tình, vương vấn, đóng đinh trong tâm trí muôn người đó là tiếng hát Quan họ.

Ra đời trên bệ đỡ của nền văn hiến Kinh Bắc, lại được nuôi dưỡng bởi những con người tài hoa, yêu thi thư, trọng lễ nghĩa ở những làng nghề, làng buôn có chữ nên người Quan họ thường có cuộc sống sung túc, thanh nhàn, phong lưu lắm! Chính thế họ mới có thể cất lên những câu ca điệu hát yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống đến vậy!

Sức sống của văn hóa Quan họ bây giờ đã vượt thời gian, vượt cả không gian tỏa khắp phương trời Âu, Á... Vẻ đẹp trữ tình, óng chuốt của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh như “thỏi nam châm” với lực hấp dẫn lạ kỳ. Đã bao người lữ khách mộ điệu giữ thói quen mùa xuân đến là tìm về Bắc Ninh nghe Quan họ mà nhất định phải là Quan họ mộc, ngồi chiếu, ngoảnh mặt nhìn nhau hát những bài cổ lề lối, không nhạc đệm.

Thói quen ấy quả thực rất khó từ bỏ với bất cứ ai trót một lần gửi tình yêu vào nỗi nhớ “người ngoan” - “Người về để nhện giăng mùng/Năm canh luống chịu lạnh lùng cả năm/ Người về có nhớ tôi chăng/ Ai đem người ngọc thung thăng chốn này...”.

Theo Báo Bắc Ninh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới