Thuận Châu bứt phá vươn lên

Đón Xuân mới Giáp Thìn năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Châu vui mừng, phấn khởi về những kết quả đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2023. Tạo khí thế mới để nhân dân trong huyện tiếp tục nỗ lực trên con đường phát triển.

Về các xã của huyện Thuận Châu những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được không khí Xuân đã về với mọi nhà. Bên bếp lửa hồng của các gia đình, câu chuyện được bàn luận sôi nổi nhất là về kết quả sản xuất nông nghiệp và những dự định của năm 2024. Theo đó, năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng hằng năm hiệu quả thấp như lúa nương, ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm. Sản lượng lương thực có hạt đạt 47.161 tấn; 62.353 tấn sắn củ… Cơ bản bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương.

Lãnh đạo Huyện ủy Thuận Châu thăm động viên cô và trò Trường mầm non Võ Thị Sáu, xã Chiềng Pha

Ông Quàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục trang bị cho nhân dân kiến thức, kỹ thuật sản xuất; phối hợp với các xã hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn. Khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã, nâng cao giá trị nông sản hàng hoá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Góp phần giảm 7,2% hộ nghèo so với năm 2022.

Trong năm qua, nhân dân trong huyện tập trung chăm sóc 1.398 ha cây chè; 5.981 ha cà phê; 4.289 ha cây ăn quả. Duy trì 8 chuỗi liên kết phát triển sản phẩm; 26 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 10 mã số vùng trồng, với 182 ha, nâng diện tích  cây trồng được cấp giấy chứng theo quy trình VietGAP lên hơn 600 ha. Duy trì 8 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Đã có 11 doanh nghiệp, HTX có sản phẩm nông nghiệp đưa lên sàn OCOP; 27 chuỗi cung ứng thực phẩm, thủy sản an toàn. Đã tiêu thụ trên 7.100 tấn quả các loại, gồm xuất khẩu 50 tấn thanh long sang thị trường châu Âu; xuất 120 tấn chuối, 160 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc; tiêu thụ, xuất khẩu 1.390 tấn chè, 3.519 tấn cà phê. 

Mô hình trồng xoài của các thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp cây ăn quả xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu.

Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định. Đa số các loại vật nuôi có tổng đàn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với năm trước. Tổng đàn gia súc có trên 161.000 con; gia cầm hơn 735.000 con. Sản phẩm chăn nuôi đã trở thành hàng hoá, với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 9.003 tấn (tăng 3%) so với năm 2022). Nhân dân các xã vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La tiếp tục khai thác diện tích nuôi trồng thủy sản phát triển nuôi cá lồng, bè, với 653 lồng cá; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.300 tấn, bằng 100% kế hoạch.

Nhìn lại hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023, bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, tự hào: Các thành viên tiếp tục chăm sóc 13 ha thanh long ruột đỏ trồng theo quy trình VietGAP đã được cấp mã số vùng trồng; sản lượng đạt trên 200 tấn quả. Năm nay, thanh long được mùa, được giá, với giá bán bình quân từ 17.000-22.000 đồng/kg, doanh thu gần 5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân thành viên đạt 120-150 triệu đồng/năm.

Nét nổi bật trong phát triển kinh tế của huyện trong năm qua đó là, huyện đã bổ sung Khu du lịch Đèo Pha Đin vào Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc quốc lộ 6 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quy mô 1.200 ha, gồm các hạng mục: Khu tâm linh; khu di tích lịch sử Quốc gia Đèo Pha Đin; khu du lịch Pha Đin Top; khu du lịch sinh thái, khám phá trải nghiệm; khu du lịch cộng đồng bản Huổi Ái; khu du lịch cộng đồng bản Cổng Chặp; khu du lịch cộng đồng bản Bay, bản Cang; khu dịch vụ tổng hợp… Tạo bước đột phá trong lĩnh vực phát triển ngành du lịch. Năm 2023, huyện đã đón 180.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 9,5 tỷ đồng.

Trụ sở Đảng ủy - HĐND- UBND xã Phổng Lập được xây dựng khang trang

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Từ nguồn vốn các chương trình, dự án và sự đóng góp của nhân dân, trong năm qua, huyện đã tu sửa, xây dựng mới 24 trường học; xây dựng mới 7 trụ sở trạm y tế xã; xóa 303 nhà tạm; nâng cấp, làm mới 28 công trình đường giao thông nông thôn, 24 công trình nhà văn hóa. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; gần 93% tuyến đường huyện được cứng hóa; 72,9% số bản, tiểu khu có đường đến trung tâm bản được cứng hóa; 99,7% số hộ có điện lưới quốc gia và được sử dụng điện sinh hoạt trên 97,2%; 100% dân số được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong năm, có thêm hai xã Chiềng La và Chiềng Pha cán đích nông thôn mới. Các bản: Hình, xã Tông Cọ; Thôn 1, 2, xã Tông Lạnh; bản Đông Quan, xã Phổng Lái; bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, đạt chuẩn NTM. Đến nay, huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM.

Chia sẻ với chúng tôi về phong trào xây dựng NTM của xã, bà Quàng Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng La, cho biết: Nhân dân trong xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Thu nhập bình quân năm 2023 đạt 42 triệu đồng/người/năm. Luỹ kế đến nay, có 68 hộ dân hiến hơn 3.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; tổng vốn nhân dân đóng góp xây dựng NTM trên 200 triệu đồng. Sự đồng thuận của nhân dân góp phần quan trọng để xã đạt chuẩn NTM trong năm 2023.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao cũng có bước chuyển biến tích cực. Huyện tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; duy trì chất lượng phổ cập giáo dục và xây dựng xã hội học tập tại các xã, thị trấn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, đảm bảo đủ 1 phòng/lớp học và dạy học 2 buổi/ngày; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 63%. Đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong năm, có thêm 2 trường và công nhận lại 1 trường đạt chuẩn Quốc gia; nâng số trường đạt chuẩn lên 43/83 trường.

Nhân dân xã Chiềng Pha thu hoạch thanh long

Các cơ sở y tế trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Đến nay, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 4,75 bác sĩ; 90,2% bản, tiểu khu có cán bộ y tế bản kiêm cộng tác viên dân số; 23/29 xã, thị trấn có bác sĩ. Kết thúc năm 2023, huyện có 75% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 56% số thôn, bản, tiểu khu đạt tiêu chuẩn văn hóa; 187/195 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 38% số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên.

Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2024, huyện Thuận Châu tập trung phát triển kinh tế ổn định, bền vững; thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; huy động tối đa và khai thác hiệu quả các nguồn lực, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đưa huyện ra khỏi diện nghèo vào năm 2025. Phấn đấu diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt là 12.250 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 46.985 tấn. Trồng mới 20 ha chè, 100 ha cây ăn quả các loại, 100 ha cây mắc ca. Tổng sản lượng chè búp tươi đạt 13.700 tấn, cà phê nhân 5.700 tấn, các loại quả 22.000 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 9.000 tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt 1.300 tấn... Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu là 300 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 7% trở lên so với năm 2023. Duy trì 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 9,2 tiêu chí/xã. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân; tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 76%.

Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự đồng tâm chung sức nỗ lực vươn lên của nhân dân, cùng những bước đi chắc chắn, cách làm khoa học, tin rằng Thuận Châu tiếp tục bứt phá vươn lên và thoát nghèo đúng kế hoạch đề ra.

Hồng Luận - Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
  • 'Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Kinh tế -
    Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, livestream bán hàng đã tạo nên một làn sóng mới trong thương mại điện tử, nhất là bán sản phẩm nông sản. Với tính tương tác cao, khả năng giới thiệu sản phẩm chi tiết và minh bạch, livestream đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho nông sản.