Tết Hàn thực – Hương vị món bánh truyền thống

Bánh trôi, bánh chay từ lâu đã trở thành một trong những món ăn truyền thống và là nét đẹp văn hóa ẩm thực độc đáo của người Việt Nam trong ngày Tết Hàn thực (3/3 Âm lịch) hằng năm. Tại thành phố Sơn La, thị trường cung cấp bánh trôi, bánh chay nhộn nhịp trước nhu cầu của các gia đình để lễ Phật và cúng gia tiên.

Giọng nữ

Hằng năm, mỗi dịp tháng ba âm lịch về, các con phố Chu Văn Thịnh, Tô Hiệu đến những khu chợ truyền thống, các gánh hàng rong, cửa tiệm lại tấp nập bày bán bánh trôi, bánh chay. Bên cạnh những sắc trắng truyền thống, những năm gần đây, bánh còn được biến tấu với đủ gam màu tự nhiên, như xanh của lá dứa, tím của khoai lang, vàng của nghệ, đỏ của gấc… tạo nên sự phong phú trong ẩm thực mà vẫn giữ trọn tinh thần văn hóa dân tộc.

Theo nghĩa Hán Việt, “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, nên Tết Hàn thực nghĩa là “Tết ăn đồ nguội”. Người Việt đã sáng tạo ra hai món bánh mang đậm bản sắc riêng: Bánh trôi và bánh chay. Đây là những thức ăn nguội đúng nghĩa nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu xa về sự tròn đầy, gắn kết, về lòng biết ơn tổ tiên.

Bánh trôi được làm từ bột gạo nếp, bên trong có nhân là viên đường phên nhỏ. Những viên bột được nặn tròn, bao lấy nhân đường, sau đó luộc trong nước sôi cho đến khi nổi lên mặt là biểu thị bánh đã chín. Khi thưởng thức, bánh trôi mang đến vị ngọt thanh của đường, hòa quyện với độ dẻo mềm của bột nếp.

Bánh chay được làm vào ngày Tết Hàn thực.

Bánh chay cũng sử dụng bột gạo nếp nhưng có nhân đậu xanh nấu chín, giã nhuyễn và trộn với đường. Sau khi nặn và luộc chín tương tự bánh trôi, bánh chay được dùng kèm với nước đường nấu sánh, thêm chút gừng tươi thái sợi, tạo nên hương vị ngọt dịu và ấm áp. Món bánh này không chỉ ngon miệng mà còn thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực truyền thống của người Việt.

Bánh trôi  ngày Tết Hàn thực.

Là một người yêu thích làm bánh truyền thống, chị Vũ Hồng, ở Bản Hẹo, phường Chiềng Lề, chia sẻ: Mỗi năm, cứ đến ngày 3/3 âm lịch tôi thường làm bánh để bán, mỗi đĩa có giá 20 nghìn đồng/đĩa. Sau khi nhào bột và nặn bánh, tôi đun nước sôi rồi thả bánh vào nồi, đun nhỏ lửa cho đến khi nổi lên, rồi nhanh tay vớt ra thả vào nước lạnh để bánh không bị dính. Với bánh chay, còn thêm đường thốt nốt, đập vài lát gừng vào nước luộc, tạo vị thơm thanh nhẹ.

Với ông Nguyễn Thế, phường Chiềng Lề, Tết Hàn thực còn là cơ hội để gắn kết gia đình. Ông Thế nói: Dù bận rộn, tôi vẫn dành thời gian cuối tuần cùng các con, các cháu tự tay nặn bánh. Việc này đã trở thành thói quen của gia đình tôi từ lâu. Tôi muốn các con cùng làm bánh để hiểu về ngày lễ truyền thống, biết trân trọng giá trị văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Thế cùng người thân chuẩn bị bánh để thắp hương ngày Tết Hàn thực.

Ngoài những người nội trợ khéo tay, nhiều gia đình bận rộn cũng tranh thủ đặt mua các set bánh trôi, bánh chay đóng gói sẵn. Chị Nguyễn Thanh Huyền, bản Lầu, phường Chiềng Lề, cho biết: Bánh trôi, bánh chay nấu sẵn và nguyên liệu làm bánh được rao bán rất nhiều tại chợ truyền thống và trên các trang mạng xã hội, với giá từ 10-20 nghìn đồng/hộp. Các sét bột tự làm có giá từ 60- 65 nghìn đồng/sét với bột ngũ sắc, 30 nghìn đồng/sét với bột gạo trắng. Tôi chỉ việc mua về nặn và tạo hình theo ý thích. Năm nay, tôi thử nghiệm thêm các màu sắc tự nhiên để mâm cúng thêm bắt mắt, giúp con trẻ hứng thú hơn và đồng thời giữ gìn giá trị truyền thống.

Bánh trôi sau khi chín sẽ được đóng hộp nhằm đảm bảo vệ sinh.

Những năm gần đây, sự tiện lợi của mua sắm online khiến nhu cầu đặt bánh trôi, bánh chay tăng cao. Nhiều cửa hàng và cá nhân đã tận dụng cơ hội này để mở rộng kinh doanh, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Chị Nguyễn Trang, phường Chiềng Lề, chia sẻ: Đây là năm thứ ba tôi kinh doanh bột và bánh trôi, bánh chay trong dịp này. Trước Tết Hàn thực một tuần, tôi đã chuẩn bị hơn một tạ bột cùng các nguyên liệu như dừa, gừng, đậu xanh, lá tạo màu… để kịp phục vụ khách. Ngoài bán trực tiếp, tôi còn đăng lên mạng xã hội để khách đặt trước, giao tận nhà. Năm nay, nhu cầu tăng cao, ba nhân viên giao hàng của tôi không kịp xoay xở, nên tôi phải thuê thêm ba người từ các ứng dụng giao hàng.

Cơ sở kinh doanh bánh trôi, bánh chay của chị Nguyễn Trang, tổ 3, phường Chiềng Lề.

Tết Hàn thực vừa là dịp để gia đình sum vầy, vừa tạo cơ hội cho trẻ nhỏ được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống. Tại các trường mầm non trên địa bàn Thành phố, các cô giáo kể cho các em nghe về sự tích bánh trôi, bánh chay, hướng dẫn cách nặn bánh. Những đôi bàn tay bé nhỏ háo hức vo tròn từng viên bánh, dù kích thước có chênh lệch, hình dáng chưa thật tròn trịa, nhưng đó chính là niềm vui, là bài học đầu đời về sự khéo léo và ý nghĩa của ngày này.

Tiết học trải nghiệm làm bánh trôi, bánh chay tại Trường Mầm non Chiềng Lề.

Dù thời gian có trôi, cuộc sống có nhiều đổi thay, Tết Hàn Thực vẫn là một dịp để người Việt hướng về tổ tiên, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhắc nhở con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn – một truyền thống đẹp đã ăn sâu vào tâm thức người Việt qua bao thế hệ.

Yến Vi (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chăm sóc mận thời kỳ đậu quả

    Chăm sóc mận thời kỳ đậu quả

    Kinh tế -
    Là một trong những vùng trồng mận lớn của tỉnh, thành phố Sơn La đang có gần 2.300 ha mận, sản lượng ước đạt khoảng trên 15.000 tấn/năm, tập trung nhiều ở các xã: Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Hua La. Thời điểm này, các vườn mận trên địa bàn thành phố đang vào thời kỳ đậu quả, nông dân các xã đang tập trung chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho quả mận đạt chất lượng cao nhất.
  • 'Chủ động bảo vệ cây trồng

    Chủ động bảo vệ cây trồng

    Kinh tế -
    Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 12.000 ha lúa, trên 1.200 ha ngô và trên 12.600 ha rau các loại; chăm sóc trên 19.500 ha xoài, gần 13.500 ha mận, trên 23.300 ha cà phê, gần 19.800 ha nhãn, gần 5.700 ha chè...
  • 'Xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc

    Xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc

    An ninh trật tự -
    Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại tỉnh Sơn La đã có sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được cụ thể hóa bằng nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
  • 'Phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

    Phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

    Sức khỏe -
    Thời điểm này, đang chuẩn bị bước vào mùa hè, thời tiết thay đổi thất thường, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, như: Sởi, cúm, sốt xuất huyết, thủy đậu... Công tác phòng chống dịch bệnh cho nhân dân đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các đơn vị y tế giám sát, phát hiện để điều trị kịp thời ngay tại cơ sở.
  • 'Nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới

    Nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới

    Xã hội -
    Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm; xóa bỏ định kiến về giới; thành lập, nhân rộng các nhóm truyền thông trong cộng đồng; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội... Đó là những hoạt động thiết thực được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Nhai triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới.
  • 'Đảng bộ xã Cò Nòi học tập và làm theo Bác

    Đảng bộ xã Cò Nòi học tập và làm theo Bác

    Đảng bộ xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn có 826 đảng viên, sinh hoạt tại 38 chi bộ. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã đã lựa chọn những nội dung, mô hình phù hợp với thực tiễn của địa phương gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
  • 'Chú trọng công tác đảng và chính trị trong quân đội

    Chú trọng công tác đảng và chính trị trong quân đội

    Xây dựng Đảng -
    Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng quân đội, Đảng ủy Quân sự tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm của lực lượng vũ trang, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
  • 'Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

    Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

    Nông thôn mới -
    Sau gần 4 năm thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án, huyện Phù Yên đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
  • 'Hua Nhàn thoát khỏi khó khăn

    Hua Nhàn thoát khỏi khó khăn

    Xã hội -
    Những ngày tháng 3, chúng tôi về xã Hua Nhàn, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Bắc Yên. Địa hình đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt khiến Hua Nhàn khó khăn trong phát triển kinh tế. Giải bài toán thoát nghèo là thách thức, trăn trở từ nhiều năm nay của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.