Những người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Thái

Nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Yên Châu đa dạng, phong phú, gắn bó với đời sống, sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội. Trước dòng chảy âm nhạc hiện đại, các nhạc cụ dân tộc truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Trên mảnh đất Yên Châu đang có những nghệ nhân dành thời gian, tâm huyết, truyền lửa để các nhạc cụ dân tộc truyền thống được lưu giữ, bảo tồn, phát triển.

Nghệ nhân Lừ Hồng Sưa chế tác khèn bè.

Lâu nay, chiếc khèn bè là nhạc cụ không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc Thái, huyện Yên Châu, có mặt hầu hết trong tất cả các ngày lễ, tết và được sử dụng làm nhạc dạo trong hầu hết các làn điệu dân ca, các điệu xòe. Từ niềm đam mê với nhạc cụ truyền thống của dân tộc, hơn 60 năm qua, ông Lừ Hồng Sưa, bản Tủm, xã Chiềng Khoi, miệt mài chế tác, bảo tồn loại nhạc cụ này.

Chia sẻ về duyên gắn bó với cây khèn bè, ông nói: Ngày còn nhỏ, mỗi lần theo anh trai đi chợ phiên, tiếng khèn đã mê hoặc, in sâu vào tâm trí tôi. Ngày ấy, phải xuống tận xã Chiềng Đông để mua chiếc khèn, nhưng sau một thời gian sử dụng, khèn bị hỏng. Ngày đó, giao thông đi lại khó khăn, đến được địa điểm mua khèn không dễ, tôi đã tự ngồi tháo cây khèn ra, mày mò nghiên cứu. Kiên trì tự sửa nhiều lần, rồi cũng thành công, tiếng khèn phát ra còn hay hơn lúc ban đầu. Từ đó, tôi càng say mê, yêu thích khèn bè, tự đi khắp nơi lắng nghe những bài khắp của đồng bào Thái, rồi tự học và thổi khèn. Càng thổi càng thích, càng làm khèn càng thấy mê và gắn bó với cây khèn từ đó đến giờ.

Với khả năng thẩm âm tinh tế, cùng với niềm đam mê học hỏi, ông Sưa trở thành một người chơi khèn có tiếng của xã. Cầm trên tay chiếc khèn bè tự chế tác, ông nói: Khèn bè làm từ cây nứa, gồm có một tẩu thổi và 14 ống nứa chập thành 7 đôi, mỗi đôi có độ dài khác nhau và kết lại thành bè theo hình bậc thang. Để làm được một chiếc khèn bè, đầu tiên phải lên rừng chọn những cây nứa nhỏ, ít mấu về phơi. Khi cây nứa chuyển sang màu vàng, cắt thành từng đoạn kích cỡ 80cm-1m. Sau đó, dùng mũi khoan để thông các đốt. Cách đáy khèn khoảng 20 cm là trục bằng gỗ, dài 10cm, khoét miệng thổi và 2 rãnh nhỏ hẹp dài 1cm ngăn đôi giữa 2 bè. Lưỡi sáo của 2 bè hướng vào nhau, thông với miệng khèn, bên ngoài trục thổi được bịt kín sáp ong đá.

Theo ông Sưa, một trong những công đoạn khó nhất khi làm khèn bè là cách xử lý các lưỡi khèn. Lưỡi khèn có 3 cỡ, phải làm bằng đồng và bạc nguyên chất mới bền, khi có đủ các nguyên liệu, cần 3-4 ngày mới làm ra được một chiếc khèn.

Say sưa với văn hóa dân tộc, mỗi khi gặp những người có cùng niềm đam mê sưu tầm, chế tác nhạc cụ và muốn học hỏi, ông đều tận tình truyền dạy. Đến nay, tuổi đã cao, nhưng ông vẫn luôn truyền dạy cho con cháu cách làm, sử dụng khèn và cách thể hiện các bài hát dân ca Thái bằng khèn bè.

Giai đoạn hoàn thiện một chiếc trống của nghệ nhân Lò Văn Phòng. 

Cũng có tiếng ở huyện Yên Châu trong chế tác nhạc cụ dân tộc, còn có ông Lò Văn Phòng, bản Búng Mo, xã Chiềng Sàng. Ông Phòng đam mê nghiên cứu, chế tác những bộ trống, chiêng phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của đồng bào dân tộc trong vùng.

Ông Phòng tâm sự: Từ nhiều đời nay, tiếng trống, chiêng như một hình thức thông báo mở đầu cho lễ hội, không những tạo ra không khí sôi động, làm nhạc nền cho các hoạt động văn hóa, còn biểu trưng cho tinh thần gắn kết cộng đồng. Vì vậy, trong các hoạt động cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái Yên Châu không thể thiếu tiếng trống, chiêng.

Từ nhỏ ông Phòng đã được cha truyền nghề, chỉ dạy việc chế tác trống, chiêng, tìm kiếm nguyên liệu, chế tác ra sản phẩm ưng ý. Theo chia sẻ của ông, việc chế tác nhạc cụ đòi hỏi phải có niềm đam mê, khéo léo và hiểu về âm sắc, đặc tính của nhạc cụ đó. Trong làm trống, quan trọng là tìm được cây gỗ chắc, thường là loại gỗ tếch vì không bị cong vênh, nứt. Mặt trống phải dùng da bò già thì tiếng mới hay và không bị thủng.

Để tạo ra chiếc chiêng hoàn chỉnh, những người chế tác phải kiên trì gò đều tay.  

Còn chế tác một chiếc chiêng hoàn chỉnh, phải qua rất nhiều công đoạn. Thường những chiếc chiêng của ông Phòng được gò chứ không phải đúc nên rất bền và khó vỡ. Nguyên liệu làm chiêng là sắt tấm, độ dày khoảng 1,5 li. Trước tiên dùng búa dát mỏng sắt, sau đó phay tròn sắt lại tùy theo kích cỡ loại chiêng rồi gò lên thành hình sản phẩm. Quá trình làm chiêng, công đoạn gò núm chiêng quan trọng nhất, đòi hỏi thuật cao, tỉ mỉ, kiên trì; gò phải thật đều thì âm thanh phát ra mới trong, vọng.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Phòng đã chế tác được trên 800 bộ trống, chiêng. Mỗi bộ trống, chiêng ông làm ra đều chứa đựng tâm huyết với tình yêu dân tộc, giá trị văn hóa; được các cá nhân, đội văn nghệ, đoàn ca múa nhạc toàn tỉnh và một số huyện của nước bạn Lào ưa chuộng đặt mua. 

Có thể thấy, với lòng nhiệt huyết của mình, những nghệ nhân như ông Lừ Hồng Sưa, ông Lò Văn Phòng luôn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các nhạc cụ truyền thống của dân tộc, để tiếng khèn bè, tiếng trống, chiêng luôn vang mãi trong đời sống tinh thần của người dân. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ bản sắc của dân tộc.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư

    Phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư

    Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị ở tỉnh ta những năm gần đây được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần tăng nguồn cung bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
  • 'Dạy thực chất, học thực chất

    Dạy thực chất, học thực chất

    Khoa Giáo -
    Tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, đưa việc “Dạy thực chất, học thực chất” ngày càng đi vào chiều sâu, đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện Mai Sơn.
  • 'Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

    Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

    Xã hội -
    Với phương châm “Hướng về cơ sở, vì người lao động”, các cấp công đoàn của huyện Thuận Châu đã cụ thể hóa các phong trào thi đua phù hợp với cơ quan, đơn vị; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.
  • 'Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững ở Mường Sang

    Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững ở Mường Sang

    Kinh tế -
    Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, phường Mường Sang, thị xã Mộc Châu đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
  • 'Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

    Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

    Xã hội -
    Huyện đoàn Mường La có 27 cơ sở đoàn, với gần 11.500 đoàn viên. Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ của huyện đã phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần cống hiến, triển khai nhiều công trình, phần việc thiết thực vì cuộc sống cộng đồng.
  • 'Quỳnh Nhai nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

    Quỳnh Nhai nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

    Xây dựng Đảng -
    Nghiêm túc quán triệt các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mọi mặt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh.
  • 'Phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Alo 114 -
    Hạn chế thấp nhất tình trạng cháy, nổ, huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
  • 'Chủ động bảo vệ rừng mùa khô

    Chủ động bảo vệ rừng mùa khô

    Xã hội -
    Huyện Phù Yên có gần 62.190 ha rừng, với độ che phủ rừng đạt trên 49,6%. Đang là kỳ cao điểm mùa khô hanh, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.