Nhìn lại chặng đường 15 năm phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh Sơn La

Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Đây là Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò, sứ mệnh cao cả của văn học, nghệ thuật và của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chuyển trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân” cho nghệ nhân Lò Văn Lả và nghệ nhân Điêu Văn Minh

Văn học, nghệ thuật chuyển biến tích cực, toàn diện

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 103-KH/TU ngày 3/9/2008; Kết luận số 951-KL/TU ngày 28/10/2013 về việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hoạt động văn học, nghệ thuật đã có sự chuyển biến tích cực, toàn diện, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa, con người Sơn La.

Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật từng bước được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, huy động các nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật, coi đó là lĩnh vực quan trọng của văn hóa, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh bền vững trong xây dựng phát triển văn hóa, con người Sơn La. Là động lực để đội ngũ văn, nghệ sỹ hăng say nghiên cứu, sáng tác, quảng bá, đưa văn học, nghệ thuật của tỉnh ngày càng phát triển.

Đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải B cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật cho các tác giả và nhóm tác giả.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật tiếp tục được nâng cao; các thể chế về quản lý các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật được cụ thể hoá, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng. Trong đó, HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh như Nghị quyết số 342/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh, trong đó quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đội văn nghệ bản (2 triệu đồng/bản/năm); Nghị quyết số 366/2011/NQ-HĐND ngày 18/3/2011 quy định mức chi đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng. UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động văn học, nghệ thuật. Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm, khuyến khích đội ngũ văn, nghệ sỹ trong hoạt động nghiên cứu, sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật.

Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, nội dung sâu sắc, thiết thực, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2008 - 2022, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức 19 trại sáng tác văn học - nghệ thuật; đã sáng tác trên 10.000 tác phẩm, trong đó hơn 300 tác giả, tác phẩm đạt các giải khu vực, quốc gia, quốc tế, cấp tỉnh, cấp hội. Phối hợp tổ chức 11 giải thưởng, cuộc vận động sáng tác do các cấp tổ chức. Trung bình hàng năm, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh xuất bản 6 số Tạp chí Suối Reo (12.000 bản, với hơn 200 tác phẩm văn học, nghệ thuật sáng tác mới). Chất lượng nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm ngày càng được nâng cao. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã giành được giải cao trong nước, quốc tế. Trong đó, tỉnh đã đóng góp tích cực trong việc phối hợp đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại. 

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, với hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên. Đội ngũ văn, nghệ sỹ các dân tộc trong tỉnh, với gần 300 hội viên, có năng lực, tâm huyết, được quan tâm bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, đoàn kết, hăng say nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật. Đến nay, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh có 12 chi hội và 6 chi hội chuyên ngành của Trung ương sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, Hội kết nạp từ 10 - 15 hội viên mới. Đến năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 278 hội viên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Nghệ sỹ nhân dân, 21 Nghệ sỹ ưu tú, 35 nghệ nhân được xét tăng danh hiệu (trong đó có 2 nghệ nhân nhân dân và 33 nghệ nhân ưu tú).

Công tác giao lưu văn học, nghệ thuật trong nước, khu vực và  quốc tế đặc biệt là với nước bạn Lào ngày càng mở rộng. Tỉnh thường xuyên đăng cai tổ chức và tham gia các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn, trình diễn, các hoạt động giới thiệu quảng bá di sản văn hóa phi vật thể như: Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam; Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc; Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào; Trình diễn giới thiệu xòe Thái;… Xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ hoạt động đối ngoại quốc tế đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào thành công các cuộc đón tiếp, làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo cấp cao tỉnh Sơn La với các đoàn khách quốc tế và các sự kiện, tiêu biểu như Khai mạc Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 tại Hà Nội, năm 2015; Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng; Diễn đàn Liên minh Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26) tại Hà Nội.... Các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã tham gia biểu diễn tại một số tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Các đại biểu xem tác phẩm mỹ thuật tại Trại sáng tác tổng hợp các chuyên ngành văn học nghệ thuật

Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã góp phần động viên, khơi dậy lòng nhiệt huyết, khát khao sáng tạo và công hiến của đội ngũ văn, nghệ sỹ trong tỉnh. Văn học, nghệ thuật của tỉnh đã góp phần khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đưa văn học, nghệ thuật tỉnh phát triển tích cực, có chỗ đứng vững chắc, xứng tầm với bề dày truyền thống văn hóa vùng Tây Bắc.

Tiếp tục phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, trong thời gian tới tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa nói chung, lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói riêng, đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, quản lý trực tiếp về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Thực hiện tốt Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; các quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật; phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững".

Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, văn học, nghệ thuật có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và chuyên môn sâu ở các cơ quan tham mưu, quản lý về văn học, nghệ thuật. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan, đơn vị văn hóa, văn học, nghệ thuật và công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ văn, nghệ sĩ.

Quan tâm đầu tư hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo của hội viên. Quan tâm tới công tác phát triển hội viên mới ở tất cả các chuyên ngành.

Đội văn nghệ quần chúng xã Chiềng Cọ, thành phố tập luyện các tiết mục văn nghệ

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa các cấp. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật, lễ hội, nghi lễ truyền thống, các di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, làm phong phú đời sống văn hóa trong tỉnh.

Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá các loại hình văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt phục vụ nhân dân các dân tộc trong nước và quốc tế. Đa dạng hóa hoạt động văn học, nghệ thuật, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, đảm bảo sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng của tỉnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân và du khách.

Vòng xòe đại đoàn kết tại Lễ Vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phù hợp để tôn vinh, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật cống hiến, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh trong thời kỳ mới.

Nguyễn Duy Lương (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới