Hội thi câu cá sông Đà là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2023, diễn ra từ chiều ngày 28 đến sáng ngày 29/1 được tổ chức tại bến cá bản Pom Sinh, xã Chiềng Bằng.
Khu vực lòng hồ thủy điện thuộc địa phận huyện Quỳnh Nhai rộng hơn 10.000 ha, với nhiều đảo lớn nhỏ trên mặt nước, được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn. Dọc hai bên sông có nhiều bãi, điểm lý tưởng để các cần thủ thỏa thích với đam mê và thử sức câu cá sông Đà, như: Khu vực đầu cầu Pá Uôn, bãi du lịch Coxama cũng là địa điểm câu lý tưởng...
Năm nay, mang đến cảm giác mới lạ cho cần thủ, huyện Quỳnh Nhai chọn bến cá bản Pom Sinh, xã Chiềng Bằng tổ chức Hội thi câu cá. Đây là xã phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng của huyện Quỳnh Nhai. Toàn xã hiện có 3.700 lồng nuôi cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 560 tấn/năm; duy trì 4 HTX thủy sản với 120 thành viên.
Tham gia Hội thi câu cá sông Đà lần này có trên 40 cần thủ đến từ các huyện: Mai Sơn, Thành phố, Sông Mã, Mường La và Quỳnh Nhai. Anh Đặng Anh Đạt, Chủ nhiệm CLB câu cá Quỳnh Nhai, thông tin: Đây là giải câu cá lần thứ 4 được tổ chức, chắc chắn hội thi sẽ được duy trì và phát huy trong những năm tiếp theo và trở thành môn thể thao quần chúng tiêu biểu, gắn liền với nhịp xây dựng và phát triển của huyện nhà.
Theo quy định, mỗi cần thủ được sử dụng tối đa 3 cần, với hình thức câu lance, câu đài (sử dụng 1 dây trục chính rồi buộc nhiều lưỡi câu dải ngầm dưới nước), câu đơn (sử dụng 1 lưỡi câu), câu chùm nho (sử dụng nhiều lưỡi câu), không được câu lục. Trước khi thi đấu, các cần thủ bốc thăm lựa chọn vị trí câu.
Cũng theo quy định của giải, các cần thủ tự do lựa chọn mồi câu (tự chế biến) và không được dùng mồi câu tươi sống, như: Ốc, sâu bọ, côn trùng, động vật tươi sống. Tiêu chí tính giải là trọng lượng cá, nếu hai hay nhiều cần thủ có trọng lượng cá bằng nhau, sẽ tính con cá nào to hơn sẽ xếp giải cao hơn. Do vậy, các cần thủ phải tính toán và vận dụng hàng loạt “bí kíp” cá nhân để có thể lên cá trong thời gian nhanh nhất. Theo chia sẻ của các cần thủ, ngoài vị trí câu cá thì việc pha chế mồi cho từng loại cá cũng rất quan trọng, có như vậy mới dụ được cá đến ăn.
Được mời tham dự giải, ông Lưu Nguyên Hà, thành viên CLB câu cá Sông Mã – Sốp Cộp, với kinh nghiệm hơn 40 năm câu cá từ các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh, thích thú, chia sẻ: Câu cá là đam mê, sở thích. Làm nghề tự do, nên tôi và các bạn của mình đã đi câu ở nhiều điểm, nhưng tham gia Hội thi câu cá sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai thì đây là lần đầu tiên. Phải kiên nhẫn, vận dụng kinh nghiệm khả năng của mình để câu được cá của sông Đà.
Còn theo chia sẻ của ông Lò Văn Đoạn, thành viên CLB câu cá Quỳnh Nhai thì dân câu đích thực phải hội tụ được 3 yếu tố. Thứ nhất về đồ nghề, thứ hai là kỹ thuật làm mồi và cuối cùng là độ lỳ. Đẳng cấp dân câu không phải là các loại dụng cụ câu cá, bộ đồ nghề câu đắt tiền và thương hiệu mà là thành tích câu được cá to, cá quý. Thế nên chẳng ai so bì cần câu là đồ Nhật, châu Âu hay Trung Quốc hoặc gia công tại Việt. Người sử dụng bát cước, cần tre theo truyền thống. Người thích cần Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, người dùng lưỡi ngoại rồi các loại mũ, ô, dụng cụ hỗ trợ câu như đáp (lưỡi ba cạnh để kéo cá), túi lưới đựng cá, nước uống, bánh mỳ, lương khô...
Ông Điêu Chính Huyên, xóm 2, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai có kinh nghiệm mấy chục năm câu cá, nên ông biết rõ từng con nước, dòng chảy sông Đà, từng bãi cá ẩn náu, bãi cá quần đẻ. Ông Huyên nói: Câu cá sông Đà ngoại trừ hình thức câu lục vì nước chảy không câu được, còn lại có thể áp dụng tất cả các hình thức từ lăng xê (chùm nhiều lưỡi), mồi giả, câu đơn, câu tay và phải luôn cắm cần thật chắc, bởi sơ sểnh không để ý là cá lôi mất cần. Chỉ cần con chày cỡ 2 kg là có thể lôi cần bay xuống nước.
Sau 17 tiếng thử thách câu cá bên sông Đà, các cần thủ đã chứng tỏ được sự bình tâm, kiên trì và giàu kinh nghiệm, xứng đáng là những cần thủ của sông Đà. Mỗi khi có cần thủ câu được cá, tất cả các cần thủ khác đều cổ vũ, hào hứng dõi theo và chúc mừng. Một cuộc thi khác thường khi mà ở đó việc thắng thua không quan trọng, mà với mỗi cần thủ niềm vui chính là khi mình và đồng đội chiến thắng, câu được những chú cá to, quý từ dưới lòng hồ.
Chăm chú theo dõi các cần thủ dự thi, chị Trần Thị Chuyên, du khách đến từ Sông Mã, nói: Xem thi câu cá có rất nhiều cảm xúc khác nhau, khi hồi hộp, khi vỡ oà, cùng reo hò khi cần thủ câu được những con cá 5, 6 kg. Đồng thời, có cơ hội nghe các cầu thủ kể những câu chuyện thú vị về các loài cá và chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật câu.
Hội thi câu cá sông Đà đã và đang góp phần quảng bá vẻ đẹp, tiềm năng, lợi thế của huyện Quỳnh Nhai, nơi có biển hồ sông Đà mênh mông, thỏa mãn mong muốn được trải nghiệm của các cần thủ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!