Mỗi độ xuân về, khắp các bản làng, phố thị rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng thúc giục, dìu dặt tiếng khèn mời gọi, tạo thêm sức mạnh hội tụ và lan tỏa bản sắc văn hóa, con người Sơn La trong tiến trình phát triển.
Phát huy nền tảng tinh thần
Sơn La là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc, mỗi dân tộc đều có kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng tạo nên cho tỉnh Sơn La những giá trị văn hóa độc đáo, phong phú của các dân tộc.
Ngày 26/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 335-KL/TU “Về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Sơn La từng bước trở thành một nguồn lực quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh nội sinh, nền tảng văn hóa truyền thống; chú trọng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là tri thức khoa học và đào tạo các kỹ năng xã hội, cải thiện tầm vóc con người Sơn La.
Vui mừng về những kết quả lĩnh vực văn hóa, ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đạt được nhiều thành tựu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội; nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên, hình thành nhiều phong trào văn hóa, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và truyền thống tốt đẹp, môi trường văn hóa lành mạnh. Năm 2024, toàn tỉnh có 74,5% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn, văn nghệ, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật được quan tâm phát triển. Toàn tỉnh có 2.284 đội văn nghệ quần chúng tại các tổ, bản, tiểu khu; 510 câu lạc bộ thể thao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; ngoài ra, có 64 di tích được xếp hạng, phát huy giá trị, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, triển khai công tác xây dựng con người Sơn La phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, có đầy đủ các tiêu chí của con người Việt Nam, đồng thời mang đậm nét đặc trưng của con người Sơn La “Yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, nghị lực, thân thiện, cần cù, sáng tạo”, hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, tự trọng, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí, khát vọng vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Dấu ấn tự hào về phát triển văn hóa, con người Sơn La, là thành phố Sơn La được vinh danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”. Đến nay, Thành phố đã ra mắt và duy trì hoạt động 81 “Ngôi nhà trí tuệ” và 47 “Thư viện nhân ái”; 95,7% số công dân đăng ký đã đạt “Công dân học tập”, 95,9% số hộ đạt “Gia đình học tập”; 14 mô hình “Dòng họ học tập”; 100% xã, phường, tổ, bản đạt “Cộng đồng tổ bản học tập”, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt “Đơn vị học tập”.
Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Sau khi được UNESCO ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”, Thành phố đã tăng cường hoàn thiện cơ sở vật chất giáo dục; xây dựng và phát triển các không gian học tập cộng đồng, mô hình học tập, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận tri thức suốt đời.
Tạo ấn tượng đẹp với du khách
Phát huy tài nguyên du lịch văn hóa kết hợp với thiên nhiên, loại hình du lịch cộng đồng ở tỉnh ta đã có bước phát triển tích cực. Một số địa phương đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cộng đồng, hình thành thói quen, chuẩn mực, nét đẹp văn hóa khi tiếp đón khách du lịch. Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Huyện xây dựng phát triển bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc trở thành biểu tượng, đại sứ quảng bá tới du khách khi đến với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Duy trì việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử “Xây dựng nét đẹp văn hóa con người Mộc Châu”, hướng tới mỗi người dân Mộc Châu là một hướng dẫn viên, tuyên truyền viên du lịch thân thiện, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách khi đến thăm Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới.
Một trong những bản du lịch cộng đồng tiêu biểu là bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái còn lưu giữ nhà sàn truyền thống, có lễ hội độc đáo, như: Dịp đầu năm có lễ hội xin nước, cầu mưa; tháng 5-6 lễ hội tắm tượng; tháng 8-9 có lễ hội xên bản, xên mường; tháng 10-11 lễ hội mừng cơm mới. Người dân thân thiện, mến khách, năng động. Hiện nay, bản Vặt có 20 hộ làm du lịch homestay, thu nhập tăng thêm của các hộ làm du lịch khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.
Trước đây, chị Lường Thị Hồng Tươi cũng như phụ nữ ở bản Vặt thường không tự tin, hạn chế giao tiếp. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các chương trình dự án, chị Tươi và chị em trong bản được học về kỹ năng kinh doanh dịch vụ du lịch, đón tiếp du khách trong và ngoài nước.
Chị Tươi chia sẻ: Chúng tôi livestreams, đăng hình ảnh quảng bá về cảnh đẹp, văn hóa độc đáo của quê hương trên mạng xã hội thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khách đến homestay, chúng tôi tổ chức các hoạt động trải nghiệm về tập quán sinh hoạt, sản xuất, nấu các món ăn dân tộc, giao lưu văn nghệ với các điệu múa, âm nhạc, lời hát đặc trưng đồng bào Thái.
Văn hóa cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là những thế mạnh thu hút du khách đến với Sơn La. Bên cạnh đó, Sơn La những năm gần đây còn được biết đến với sự năng động và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như: Hiện tượng nông nghiệp cả nước; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu 3 lần liên tiếp được vinh danh là điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á, 2 lần liên tiếp được vinh danh là điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới… Và một con số biết nói là trong 4 năm qua, khách du lịch đến với Sơn La đạt hơn 12 triệu lượt người. Kết quả này, có vai trò quan trọng của nền tảng văn hóa, kết tinh từ bàn tay, khối óc con người Sơn La.
Xuân mới đã về, tiếp nối mạch nguồn văn hóa, khơi dậy sức mạnh nội sinh, tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Sơn La quyết tâm, chung sức, đồng lòng, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!