Thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ; giữ gìn, phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm; truyền dạy cho lớp trẻ các điệu múa, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ của dân tộc..., những năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện Quỳnh Nhai đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tại địa phương.
Trên địa bàn huyện có 7 dân tộc: Thái, Kinh, Mông, La Ha, Kháng, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng, tạo nên văn hóa đa sắc màu. Hiện nay, huyện có 3 nghi lễ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ Kin Pang Then; lễ hội gội đầu của dân tộc Thái trắng; lễ cầu an của dân tộc La Ha với các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Đồng thời, còn có một số nghề thủ công truyền thống như dệt vải của người Thái trắng, xã Mường Giàng, Mường Chiên; thêu, may trang phục dân tộc của đồng bào dân tộc Mông, làm giấy dó của người Dao đỏ xã Chiềng Khay; đan lát của đồng bào Kháng, La Ha, xã Chiềng Ơn, Nậm Ét, Mường Sại...
Bà Lò Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Hội có 12 cơ sở hội và hơn 11.600 hội viên. Các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về các giá trị văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Hình thức tuyên truyền đa dạng như lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, qua mạng xã hội zalo, facebook của các cấp hội...
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ huyện chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc cho hội viên phụ nữ. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lớp tập huấn kiến thức, nâng cao tay nghề; hỗ trợ vốn vay cho chị em khởi nghiệp từ các nghề truyền thống.
Tháng 3/2023, Hội Phụ nữ xã Chiềng Bằng thành lập CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại bản Khoan. CLB có 12 thành viên, duy trì hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như: Thường xuyên mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày; duy trì tiếng nói, phong tục tập quán của dân tộc Thái. Đồng thời, sưu tầm các bài hát, điệu múa, nhạc cụ dân tộc, truyền dạy kỹ thuật thêu khăn piêu cho hội viên phụ nữ và trẻ em.
Chị Lò Thị Duyên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Khoan, xã Chiềng Bằng, chia sẻ: Chúng tôi đã liên kết hội viên thành lập CLB với mục đích hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm bền đẹp. Ngoài ra, các thành viên đã chủ động quảng bá sản phẩm trên trang facebook, zalo, bán cho chị em các xã lân cận và du khách, góp phần tăng thêm thu nhập.
Bà Lò Thị Phaứ, bản Đán Đăm, xã Chiềng Ơn, là nghệ nhân dân gian am hiểu về phong tục của dân tộc Kháng, đan lát giỏi. Những năm qua, bà đã tổ chức các lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu múa, nghề truyền thống đan lát cho các hội viên phụ nữ dân tộc Kháng trong xã. Bà Phaứ chia sẻ: Ban đầu tôi truyền dạy cho con, cháu trong nhà, sau đó, phối hợp với chi hội phụ nữ bản vận động các hội viên theo học các lớp truyền dạy. Từ năm 2019 đến nay, tôi đã tổ chức được 3 lớp dạy hát, 3 lớp dạy múa và 2 lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát, thu hút gần 250 người tham gia. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quan tâm, động viên, hỗ trợ, có chính sách bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc Kháng, đặc biệt là nghề đan lát.
Bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ huyện Quỳnh Nhai đã góp phần giữ gìn, tiếp nối các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Qua đó, gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đóng góp quan trọng vào phát triển du lịch của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!