Sau hơn 4 năm đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học giáo dục địa phương đã được các nhà trường trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng. Ngoài giảng dạy theo tài liệu, giáo dục địa phương còn được gắn với các hoạt động thực tế, khơi dậy ý thích tìm hiểu về lịch sử - văn hóa - xã hội của địa phương và góp phần hình thành ý thức, trách nhiệm, tình yêu quê hương cho học sinh.

Chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung học bắt buộc, tương đương với một môn học tại các trường phổ thông. Tài liệu GDĐP đã được Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì công tác soạn thảo, biên soạn, cung cấp cho các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2020-2021. Môn học này hướng học sinh tiếp cận, tìm hiểu những kiến thức tổng quan về văn hóa của địa phương, như: Phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, di sản văn hóa các dân tộc; những kiến thức về lịch sử Sơn La, các giai đoạn cách mạng, nhân vật lịch sử, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và kiến thức về kinh tế - xã hội, môi trường…
Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Việc giảng dạy nội dung GDĐP mang lại hiệu quả tích cực, đạt mục tiêu môn học, có những phản hồi tốt từ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nội dung giáo dục địa phương với những hình thức đa dạng, hấp dẫn như: Dạy học qua trải nghiệm, tham quan, dạy học gắn với di sản, dạy học tích hợp lồng ghép; huy động chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh, cộng đồng xã hội tham gia hỗ trợ dạy học các nội dung phù hợp. Với những nội dung thiết thực, gần gũi về địa phương như: văn hóa lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, nghề nghiệp, chính trị, xã hội và môi trường… được phân bổ phù hợp vào tài liệu của các khối lớp theo đặc điểm nhận thức và tâm lý lứa tuổi đã mang lại cho học sinh những hiểu biết cơ bản, sâu sắc về quê hương Sơn La.

Đối với cấp tiểu học, chương trình GDĐP được ưu tiên lồng ghép nội dung giảng dạy vào môn một số môn học chính, các hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, tham quan tìm hiểu di tích, giáo dục truyền thống tại các “địa chỉ đỏ” của địa phương. Thầy giáo Hà Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Quỳnh Nhai là miền đất giàu truyền thống văn hóa, đây cũng là lợi thế để nhà trường khai thác trong giảng dạy môn GDĐP. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa về văn hóa – lịch sử, văn nghệ mang bản sắc dân tộc, mời nhân vật kể chuyện lịch sử... Đồng thời, cho học sinh trực tiếp tham gia các hoạt động dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, tri ân những người có công với cách mạng, trải nghiệm các hoạt động bảo tồn di sản…
Các nhà trường ở các cấp học ở Quỳnh Nhai luôn chú trọng chương trình GDĐP và nổi bật với các hoạt động khuyến khích học sinh tìm hiểu về lịch sử và di sản văn hóa. Tại Cuộc thi tìm hiểu lịch sử trong đoàn viên, thanh thiếu nhi tỉnh Sơn La năm 2024, em Phạm Hải Yến, học sinh lớp 12, Trường THPT Quỳnh Nhai đã xuất sắc giành được giải Nhất.
Chia sẻ về niềm đam mê tìm hiểu lịch sử, em Phạm Hải Yến nói: Từ môn GDĐP học tại trường, chúng em được các thầy cô khuyến khích tham gia các hoạt động tìm hiểu thực tế. Qua đó, em càng yêu thích hơn việc học về lịch sử - văn hóa của Sơn La cũng như các kiến thức về lịch sử Việt Nam. Môn học này giúp em hiểu hơn, yêu hương quê hương mình và thấy được trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc nỗ lực không ngừng để góp sức xây dựng quê hương.

Đối với cấp THCS và THPT, nội dung GDĐP có thời lượng 35 tiết/năm học. Kiến thức tập trung theo 6 chủ đề chính: Văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp. Mỗi chủ đề trong tài liệu GDĐP được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội và các lĩnh vực của tỉnh Sơn La. Từ đó, gắn với những kiến thức về văn hóa – lịch sử và các lĩnh vực của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.

Cô giáo Kiều Thị Nhàn, giáo viên bộ môn Địa lý, Trường THCS Lê Quý Đôn, Thành phố, cho hay: Môn học này trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về địa lý, kinh tế, xã hội của tỉnh. Từ các chủ đề này, giáo viên cũng gợi mở thêm những kiến thức mang tính thực tế và thời sự của tỉnh, giúp các em biết được Sơn La có những tiềm năng, thế mạnh và khó khăn gì trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, có sự so sánh với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Từ đó, hình thành trong các em tư duy, suy nghĩ làm sao để sau này có thể góp sức làm thay đổi, phát triển quê hương mình.
Đưa học sinh đến những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng cũng là hoạt động được hầu hết các nhà trường lựa chọn để đưa nội dung chủ đề văn hóa – lịch sử của chương trình GDĐP vào thực tế. Trong đó, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La chính là địa chỉ lớn, thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử - văn hóa địa phương, thu hút đông đảo học sinh các nhà trường trên địa bàn tỉnh tham gia.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin: Mỗi năm, Bảo tàng tỉnh tổ chức ít nhất 2-3 cuộc giáo dục trải nghiệm cùng các hoạt động tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, di sản văn hóa địa phương… Đồng thời, tổ chức các hoạt động đón khách tham quan, tìm hiểu về Nhà tù Sơn La, phối hợp thực hiện các hoạt động kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Đội tại di tích cho học sinh, đoàn viên thanh niên, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trưng bày, triển lãm theo chủ đề, chủ điểm, nhân vật, sự kiện để tăng hiệu ứng tuyên truyền về lịch sử cách mạng và tăng hiệu quả về truyền thông giáo dục.
Với phương pháp đổi mới, sáng tạo, hướng đến thực tiễn, chương trình GDĐP đã và đang được các nhà trường triển khai giảng dạy đem lại hiệu quả thiết thực. Môn học này không chỉ giúp học sinh được tiếp cận kiến thức thực tế, gắn với địa phương mình đang sinh sống mà còn tạo sự liên hệ với kiến thức sâu rộng về lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là giải pháp hay nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho giới trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!