Bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc

Ngôn ngữ và chữ viết có vai trò quan trọng, không chỉ được sử dụng để giao tiếp, mà còn phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất của một cộng đồng dân cư. Theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ trong đời sống cộng đồng các dân tộc luôn được tỉnh ta chú trọng.

Giọng nữ
Lớp dạy chữ Thái tại Câu lạc bộ văn hóa các dân tộc bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Sơn La có 12 dân tộc, với 5 nhóm ngữ hệ, gồm: Việt - Mường, Tày - Thái, Ka Đai, Môn - Khơ Me và Mông - Dao. Hiện nay, trên địa bàn có 4 dân tộc có chữ viết riêng, gồm: Thái, Mông, Dao, Lào. Trong đó, chữ viết của dân tộc Thái phổ biến nhất, đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được lưu giữ qua hệ thống trên 1.400 văn bản, tài liệu, sách cổ tại Bảo tàng tỉnh và được nhiều địa phương tổ chức truyền dạy. Ngoài chữ Thái, chữ viết của dân tộc Dao cũng hết sức phong phú, được sáng tạo từ hệ chữ Hán. Chữ viết dân tộc Dao trước đây được sử dụng trong mọi văn tự, từ việc ghi chép ngày, tháng, đến văn học, lịch sử, các bài hát, bài cúng...

Xuyên suốt dòng chảy lịch sử, ngôn ngữ, chữ viết luôn song hành cùng sự hình thành và phát triển của mỗi dân tộc, giúp con người tiếp thu các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, chuyển tải kinh nghiệm, tri thức trong đời sống lao động sản xuất, là nền tảng tạo nên văn hóa. Trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng hội nhập kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền ngày càng mở rộng và tác động đến đời sống của mỗi người dân, công tác bảo tồn giữ gìn ngôn ngữ các dân tộc ở Sơn La được đặt ra ngày càng cấp bách. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Một số cộng đồng dân tộc ít người, như La Ha, Kháng, Xinh Mun thường cư trú phân tán hoặc sống xen kẽ với các bản của người Thái. Trải qua thời gian, dần bị ảnh hưởng bởi văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Thái và không còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình. Ngoài ra, do sự tác động của cuộc sống hiện đại, những người trẻ biết nói tiếng của dân tộc mình đang ngày một ít đi, mà chủ yếu sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp. Do vậy, sự mai một, lãng quên tiếng của dân tộc mình là điều khó tránh khỏi.

Lớp tập huấn bảo tồn tiếng nói chữ viết cho cán bộ văn hóa các xã trên địa bàn tỉnh.

Bảo tồn và phát huy di sản ngôn ngữ cũng như những giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều đề tài khoa học, chương trình, dự án, như: “Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn văn hóa cư dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La”; “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”… Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian trong việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho thế hệ trẻ; khuyến khích thành lập các CLB văn hóa dân tộc; tổ chức thí điểm dạy tiếng Thái tại một số đơn vị, cơ sở giáo dục...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 câu lạc bộ văn hóa. Nhiều lớp học tiếng nói, chữ viết các dân tộc được các nghệ nhân dân gian duy trì tổ chức, truyền dạy cho hàng trăm học viên mỗi năm. Trong đó phải kể đến lớp học chữ Thái của ông Lường Văn Chựa, bản Ngùa; lớp học chữ Khơ Mú của ông Mè Văn Trâm, bản Thàn, ở xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu; lớp học chữ Dao của nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ; lớp dạy tiếng La Ha của ông Quàng Văn Hóa, xã Pi Toong, huyện Mường La...

Nghệ nhân ưu tú Lường Văn Hoạt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu biên soạn tài liệu giảng dạy chữ Thái.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở. Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin: Đầu tháng 6 vừa qua, Sở đã tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho hơn 120 cán bộ văn hóa tại các xã trên địa bàn tỉnh về công tác bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc. Nội dung này sẽ tiếp tục được duy trì, nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025.

Với sự nỗ lực của tỉnh, các ngành chức năng và sự nhiệt huyết của cán bộ, nghệ nhân các dân tộc, tin rằng công tác bảo tồn phát huy di sản ngôn ngữ các dân tộc sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả, để ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là tiếng nói, chữ viết, mà còn trở thành nhân tố quan trọng xây dựng con người Sơn La văn minh, hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập, nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc.

Bài, ảnh: Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới