Có một Sơn La trong lòng Hà Nội

Hà Nội - Thủ đô yêu dấu, nơi triệu triệu trái tim đồng bào cả nước luôn hướng về để tỏ niềm tự hào, tin tưởng và ngưỡng mộ. Trong số ấy, nhiều thế hệ những người con của Sơn La cũng đã về đây chung sống, cùng xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại mà vẫn đậm chất dân tộc, tươi xanh.

Giọng nữ
Đoàn nghệ nhân Sơn La giới thiệu điệu "Xòe Thái" tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Trung Hiếu

Bạn cũ Sơn La

Hẹn mãi, lần này mới có dịp gặp nhau khi tôi về Hà Nội công tác, gặp anh Trần Dũng ở phường La Khê của quận Hà Đông. Trước khi về Hà Nội năm 2018, anh Dũng là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La.

Anh Dũng là một trong số hàng nghìn hội viên của Ban liên lạc Sơn La tại Hà Nội, hiện đang sống và tham gia hoạt động dân phố nơi mình cư trú. Lần này, vui trong câu chuyện, anh Dũng bảo: Người Sơn La dễ mến, dễ gần hay sao ấy mà sau 3 năm ở đây, bà con chung cư đã bầu anh làm Phó bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố tổ 9, phường La Khê, quận Hà Đông. Tổ có tới 1.900 hộ dân, nên anh và lãnh đạo chi bộ, tổ dân phố thường “bơi” trong những sự vụ hàng ngày. Năm nào anh cũng được giấy khen của Đảng ủy, UBND phường; được công nhận cán bộ tổ dân phố xuất sắc.

Đợt này, tôi còn được gặp anh Cầm Đoản, trước kia nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, nhà ở phia bắc cầu Vĩnh Tuy, bên Gia Lâm. Anh là Phó Ban liên lạc Sơn La tại Hà nội, thường tham gia các hoạt động, gần đây mới thôi. Anh Đoản bảo việc mình thì lúc nào cũng phải làm cho tốt, ở Sơn La hay ở Hà Nội cũng vậy. Như việc của Ban liên lạc, dứt khoát phải là cầu nối thông tin, hoạt động của anh chị em đã nghỉ hưu tại Hà Nội với Sơn La.

Tối hôm nghỉ tại Nhà khách Thanh Xuân của tỉnh Sơn La, tôi gặp anh Tô Hùng, Phó Giám đốc nhà khách. Tuy là nhà khách, nhưng đã được xây dựng và nâng cấp lên thành khách sạn từ lâu. Nhà khách Thanh Xuân là bến đỗ ấm áp với bà con Sơn La và các tỉnh, thành. Theo anh Tô Hùng, thì đây là phần ưu ái hơn của Hà Nội với người dân Sơn La.

Những câu chuyện lịch sử

Nếu nói về lịch sử, thì chúng tôi thuộc lớp hậu sinh, nên cũng chẳng hiểu mấy chuyện xa xưa. Thật may cho tôi đúng dịp này, lại được tiếp xúc với ông Lò Văn Lả -  Nghệ nhân Nhân dân. Ông Lả là người Thái Sơn La, cán bộ hưu và là người dày công sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái. Khi biết ý định của tôi đang tìm hiểu mối liên kết Sơn La - Hà nội, ông nói ngay: Sách Thái cổ còn chép lại câu chuyện lưu truyền đến nay, có tên là “Phiết Mướng”, nằm trong trường ca cổ “Chuyện bản, chuyện mường”. Phiết Mướng kể rằng khoảng những năm 1888- 1890, có ông Tạo lớn là Lê Lưu bên Lào Cai, người cai quản cả một vùng người Thái ở Tây Bắc, kêu gọi bà con dân tộc cùng hợp sức kéo về Hà Nội đánh Pháp. Sơn La đã góp người, hàng ngàn trâu, bò, ngựa cùng nhập vào đoàn quân 8 ngàn người đó.

Phiết Mướng có đoạn kể:

“… Tập hợp được tám ngàn quân khỏe mạnh

Trâu bò ngựa nghìn con cũng cho theo

Mấy nghìn người bước đi rầm rập

Tiếng trống chiêng, tiếng kèn giục bước…”

Và khi đến Hà Nội thì:

”… Tập hợp binh hàng nghìn người đến rất nhanh

Bởi ông (Tạo lớn) đã vào trong tỉnh lớn

Đuổi đánh cả Hà Nội chạy tan tác

Sẽ giết cả các quan lớn người Kinh (Pháp)

Ta làm đúng súng ống bàn chiên…”

Qua câu chuyện này có thể hiểu rằng, từ xa xưa, thế hệ cha ông ở Sơn La cũng đã chi viện một phần nào đó để theo chính nghĩa, đánh đuổi thực dân.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, lại có câu chuyện cảm động về người Anh hùng LLVT Vũ Xuân Thiều. Sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, anh được đào tạo rất cơ bản để trở thành phi công tiêm kích của Đoàn không quân Sao Đỏ. Tối 28 tháng 12 năm 1972, anh được lệnh cùng đồng đội cất cánh đánh chặn B52 của địch. Khi không kích trên địa phận bầu trời Sơn La, sau khi bắn rơi một B52, anh Thiều đã anh dũng hy sinh ngay trên không phận này. Nhân dân Sơn La khi đó đã cùng cán bộ, chiến sĩ của binh chủng phòng không không quân tổ chức an táng trọng thể anh tại nghĩa trang nhân dân thị xã Sơn La. Mãi đến năm 1994, gia đình và Quân đội, Nhà nước mới đưa anh trở về Hà Nội.

Qua nhiều thời kỳ, còn biết bao những câu chuyện, những tấm gương của người Sơn La với thủ đô Hà Nội và ngược lại. Chỉ biết rằng lịch sử là trường tồn và ý chí, tấm lòng bao dung của người dân Sơn La luôn hướng về Thủ đô yêu dấu.

Ghi dấu Hà Nội

Ban liên lạc cán bộ Sơn La tại Hà Nội, được thành lập năm 1989. Ngoài việc sinh hoạt, gặp gỡ anh chị em đã nghỉ hưu đang sinh sống tại Hà nội, Ban còn là cầu nối thường xuyên những thông tin, việc làm của hơn 1 nghìn hội viên của Ban với Sơn La.

Ngoài phát huy nghĩa tình, góp phần xây dựng Sơn La, các hội viên của Ban liên lạc là con em Sơn La chuyển về làm doanh nghiệp lại tiếp tục đầu tư để phát triển nông nghiệp, trồng cây dược liệu; làm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ du lịch… góp phần nhỏ xây dựng thủ đô xanh- hiện đại.

Con em của các hội viên rất nhiều người đã học tập, trưởng thành và tiếp tục cống hiến cho Hà Nội. Có chị là PGS.TS từng đoạt giải thưởng danh giá Covalepscaia; có chị là PGS-TS- giảng viên Đại học Sư phạm Hà nội; cũng có chị là PGS- TS- Trưởng khoa của Học viện Hành chính Quốc gia…

Trong số rất nhiều hoạt động, việc làm của Sơn La, hoặc từ Sơn La với Hà Nội, gần đây nhất phải kể đến một số hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh. Tháng 5 vừa qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc - Hà Nội, năm 2024. Tham gia hội chợ có 270 gian hàng của hơn 40 tỉnh, thành phố trong nước. Sơn La đã mang về các sản phẩm OCOP, như: Thịt trâu gác bếp, lạp sườn, mật ong, cà phê, chè, hoa quả sấy dẻo, mận hậu, nhãn, xoài tròn Yên Châu. Có 2 sản phẩm “Thịt trâu gác bếp Biên Cương” và “Mận hậu sấy dẻo” của Sơn La được tôn vinh và trao Giấy chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024.

Gian hàng trưng bày mận hậu Sơn La  “Lễ hội mận hậu và nông sản tỉnh Sơn La” tại Hà Nội năm 2024

Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội năm 2024, gian hàng của Sơn La có chủ đề “Điểm đến thiên nhiên và an toàn”. Các ấn phẩm được trưng bày tại gian hàng, gồm: Bản đồ du lịch Sơn La; lễ hội đặc sắc Mộc Châu - Vân Hồ; cẩm nang Du lịch Mường La, du lịch Tà Xùa; ấn phẩm giới thiệu sản phẩm của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch…

Nhiều năm trở lại đây, Sơn La đã năng động chuyển đổi sản xuất dựa trên nhiều lợi thế của địa phương, do vậy đã tạo ra được vùng cây ăn quả rộng lớn và chất lượng. Ngoài xuất khẩu, người dân Sơn La không khỏi phấn khởi, tự hào khi thấy những trái mận hậu Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, nhãn lồng Sông Mã đã có mặt tại Big C Thăng Long và một số nhà hàng, khách sạn sang trọng ở Hà Nội. Còn tự hào hơn nữa, khi những sản phẩm này đã có mặt trên các khay đồ ăn của hãng Hàng không Vietnam Airlines từ hai năm trở lại đây. Vậy là Sơn La đã và đang được bay cùng Thủ đô yêu dấu, bay cùng đất nước đẹp tươi. Người Sơn La càng thấy mình trách nhiệm, nỗ lực hơn nũa để tiếp tục góp phần xây dưng Thủ đô giàu đẹp.

                            

Hoàng Khải (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới