Chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Huyện Vân Hồ có 5 dân tộc cùng sinh sống gồm Mông, Thái, Mường, Kinh, Dao, hội tụ nhiều giá trị văn hóa độc đáo trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống... Gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, thời gian qua, Hội phụ nữ các cấp của huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, huy động sự tham gia tích cực của hội viên.

Giọng nữ
Phụ nữ dân tộc Mông xã Vân Hồ, hướng dẫn con em dệt vải lanh.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc, các cơ sở hội đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên; thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Hình thức tuyên truyền đa dạng như lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, qua mạng xã hội zalo, facebook...

Bà Hà Thị Thân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vân Hồ, cho biết: Qua việc tuyên truyền đã giúp các hội viên, phụ nữ thêm tự hào, quý trọng những di sản văn hóa, từ đó có ý thức hơn trong sử dụng tiếng nói, chữ viết, âm nhạc dân tộc và phát huy giá trị các di sản văn hóa, như lễ hội, trang phục gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, huyện Vân Hồ duy trì 115 đội văn nghệ quần chúng bản, tiểu khu, nòng cốt là hội viên phụ nữ, tích cực tham gia các chương trình biểu diễn, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, tạo không gian văn hóa để lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ huyện chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho hội viên phụ nữ. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lớp tập huấn nâng cao tay nghề; hỗ trợ vốn vay cho chị em khởi nghiệp từ các nghề truyền thống.

Tới thăm cửa hàng của chị Lầu Thị Chi, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, chuyên sản xuất, kinh doanh hàng thổ cẩm, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Những bộ trang phục váy, áo nhiều màu sắc, kiểu dáng được treo khắp các kệ, tiện cho khách hàng lựa chọn. Chị Chi cho biết: Nắm bắt được nhu cầu sử dụng của người dân, du khách khi đến Vân Hồ cũng rất muốn mua trang phục đồng bào dân tộc Mông làm quà lưu niệm và thuê để chụp ảnh, tôi đã đầu tư mở cửa hàng bán trang phục dân tộc Mông và phục vụ khách hàng thuê mặc chụp ảnh, hay mua về làm kỷ niệm. Vào các dịp lễ, tết, có ngày tôi bán được gần 100 bộ trang phục dân tộc Mông, qua đó giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Cùng với đó, tôi còn tích cực truyền dạy cho con cháu nghề thêu may trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Với những việc làm cụ thể, hội viên, phụ nữ đã phát huy vai trò trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương đến du khách. Đến nay, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cơ bản vẫn được duy trì; các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được lưu giữ và tổ chức thường xuyên, như: Nhảy Tha Khềnh của dân tộc Mông ở xã Vân Hồ, Lóng Luông; múa sạp của dân tộc Thái ở Chiềng Yên, Liên Hòa, Chiềng Khoa, Song Khủa, Xuân Nha, Tân Xuân; múa chuông của dân tộc Dao ở Liên Hòa, Vân Hồ, Chiềng Yên, Suối Bàng...

Hằng năm, huyện duy trì tổ chức các lễ hội chính, như: Ngày hội hoa đào tại xã Lóng Luông; Lễ hội hoa ban tại xã Chiềng Khoa. Ngoài ra, các cơ sở hội chủ động phối hợp tổ chức các ngày hội, trò chơi dân gian vào các dịp lễ, tết phù hợp với đặc thù địa phương. Các nghề thủ công truyền thống được duy trì, như đan lát mây, tre; thêu, dệt trang phục dân tộc... Nhiều hủ tục lạc hậu trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, như thách cưới, tổ chức ăn uống dài ngày trong cưới hỏi, ma chay hầu như không còn.

Chung tay giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, phụ nữ huyện Vân Hồ đã và đang khai thác tốt để phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong đồng bào các dân tộc.

Bài, ảnh: Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới