Cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn

Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Sơn La đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho bà mẹ và trẻ em được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Quan tâm việc cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được chú trọng.

Kiểm tra cân nặng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi tại Trạm y tế xã Mường Cai, huyện Sông Mã. 

UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành các kế hoạch chăm sóc sức khỏe, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo từng giai đoạn. Chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2030 với 3 giai đoạn: Chăm sóc dinh dưỡng khi bà mẹ mang thai, cho trẻ 6 tháng đầu và cho trẻ 6-24 tháng. Dự án “Cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La thông qua nông nghiệp và cải thiện dinh dưỡng” tại huyện Bắc Yên, Sốp Cộp, giai đoạn 2023-2026. 

Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản - dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia, trung tâm y tế các huyện, thành phố điều tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em. Đồng thời, triển khai các kế hoạch phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi; các chương trình, chiến dịch chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung Vitamin A kết hợp tẩy giun và nuôi con bằng sữa mẹ. Thống kê và cấp các vật tư y tế, tài liệu phục vụ hoạt động chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho các địa phương.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu khám sức khỏe cho trẻ nhẹ cân. 

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia điều tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi tại 30 cụm xã trong tỉnh. Tổ chức 9 lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng truyền thông về chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em 1.000 ngày đầu đời cho 266 cộng tác viên dân số, y tế bản tại các huyện Sốp Cộp, Bắc Yên, Thuận Châu, Vân Hồ. 100% số phụ nữ mang thai tại 2 huyện Thuận Châu và Sốp Cộp được tiếp nhận, phân bổ đa vi chất; 90% số trẻ dưới 5 tuổi được cân đo định kỳ. Trong đợt 1 năm 2023, có 99,1% số trẻ từ 6 đến 59 tháng tuổi và 95,9% số bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được bổ sung Vitamin A. 

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Cai, huyện Sông Mã cho trẻ uống vitamin A. 

Những năm gần đây, Trạm Y tế xã Mường Cai, huyện Sông Mã đã kết hợp tiêm chủng mở rộng với kiểm tra cân nặng, đo chiều cao cho trẻ, tư vấn bổ sung dinh dưỡng cho phụ nữ trong quá trình mang thai và 1 tháng sau sinh. Anh Hà Văn Tuấn, Trưởng trạm Y tế xã, cho biết: Trạm phối hợp với nhân viên y tế các bản tư vấn, hướng dẫn phương pháp bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và bé. Tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ bị ốm. Vận động phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế tuyến trên để khám sàng lọc trước sinh. Đồng thời, cấp vitamin A, theo dõi tình trạng phục hồi của các bà mẹ và sức khỏe của trẻ sơ sinh để kịp thời hỗ trợ, chăm sóc.

Ông Quàng Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu, thông tin: Hiện nay, huyện có 14.793 trẻ dưới 5 tuổi. Trung tâm tiếp tục tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông cho y tế bản, cộng tác viên dân số. Hướng dẫn, thực hành chế biến bữa ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời và trẻ suy dinh dưỡng tại các xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. 

Với mục tiêu, phấn đấu mỗi năm, toàn tỉnh giảm 1,3% số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi; giảm 1% số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Đến năm 2025, 25% số bà mẹ cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 70% số bà mẹ cho trẻ từ 2-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.

UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; huy động sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành, đoàn thể xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác truyền thông, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động truyền thông tại cộng đồng để nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng về tầm quan trọng của sự phát triển toàn diện của trẻ trong giai đoạn đầu đời. 

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới