Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông

Đồng bào dân tộc Mông có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc, thể hiện trong trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc dân gian, lễ hội, nghề truyền thống... Những năm qua, việc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông luôn được các cấp, các ngành, địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống quan tâm, thực hiện với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Trình diễn nghệ thuật chế tác khèn của người Mông tại Bảo tàng tỉnh.

Bà Phạm Thị Hồng Trinh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những năm qua, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông là một điển hình, như lễ cúng dòng họ, nghệ thuật khèn và nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông huyện Mộc Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa tốt đẹp để chính họ tự nguyện tham gia gìn giữ, xây dựng và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc mình.

Nói đến văn hóa của dân tộc Mông, người ta thường ấn tượng với bộ trang phục của phụ nữ, với màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật. Trước đây, đồng bào dân tộc Mông chủ yếu trồng lanh dệt vải để may trang phục, nay bà con phần nhiều sử dụng vải dệt công nghiệp nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các họa tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống. Bắt nhịp xu hướng mới của cuộc sống hiện đại, với sự du nhập của nhiều kiểu thời trang, nhưng những bộ váy áo dân tộc Mông vẫn luôn được yêu thích, sự cách tân làm nổi bật thêm những nét độc đáo của bộ trang phục này.

Gia đình chị Lầu Thị Chi, bản Chiềng Đi 2, huyện Vân Hồ làm nghề thêu, may trang phục dân tộc mình từ nhiều năm nay. Không chỉ phục vụ gia đình, chị còn mở một cửa hàng kinh doanh với nhiều trang phục nam, nữ dân tộc Mông để phục vụ bà con. Ngoài các nét hoa văn truyền thống, chị còn tìm tòi, học hỏi trên mạng internet những hoa văn độc đáo, mới lạ, đẹp mắt của đồng bào dân tộc Mông ở nhiều nơi khác nhau để có các sản phẩm đẹp, phong phú. Chị Chi chia sẻ: Hiện nay, ngoài nhu cầu sử dụng của người dân, du khách khi đến Vân Hồ cũng rất muốn mua trang phục đồng bào dân tộc Mông làm quà lưu niệm và thuê để chụp ảnh, nên tôi cùng chị em trong bản duy trì nghề thêu may để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Mông và có thêm nguồn thu nhập.

Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông cũng hết sức phong phú, người Mông biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, như: Khèn, sáo, đàn môi... Âm nhạc Mông từ giai điệu, tiết tấu, đến âm sắc, âm khu... tất cả mọi yếu tố kết thành một thể thống nhất, truyền vào con người tinh thần yêu đời, đoàn kết, yêu thương nhau. Trong đó nổi bật nhất là khèn Mông. Theo phong tục, khèn Mông gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào và mỗi cuộc đời của người Mông. Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống; là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông. Tiếng khèn đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình. Năm 2018, nghệ thuật khèn của người Mông ở Mộc Châu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn và tình yêu dành cho cây khèn Mông, nghệ nhân Mùa A Của, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu đã tận tình hướng dẫn, kèm dạy cho con em trong bản từ động tác cầm khèn, cách điều tiết hơi, đến động tác múa khèn và các điệu nhạc truyền thống của người Mông, khơi dậy niềm say mê, tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình. Nhờ đó, dù văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các bản vùng cao, nhưng niềm đam mê tiếng khèn với những chàng trai dân tộc Mông ở bản Tà Số 1 chưa bao giờ dứt. Nghệ nhân Mùa A Của chia sẻ: Muốn lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì mình phải truyền đạt những gì mình biết cho con cháu, sau này mình già đi, các cháu sẽ là người giữ gìn và lưu truyền.

Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc đang ngày càng được nâng lên. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông từ mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, tin tưởng những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát triển.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới