Xuôi theo con đường bê tông từ quốc lộ 6 vào xã Nậm Lầu (Thuận Châu), chúng tôi đến thăm bản Nà Kẹ, bản văn hóa đầu tiên của xã Nậm Lầu và được nghe về quá trình phấn đấu để xây dựng và giữ vững danh hiệu bản văn hóa trong ba năm qua, khiến chúng tôi rất khâm phục.
Cán bộ bản Nà Kẹ, xã Nậm Lầu (Thuận Châu) tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.
Đón chúng tôi, ông Cà Văn Trực, Trưởng bản Nà Kẹ cho biết: Hiện nay, bản có 39 hộ, 254 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Khi phấn đấu xây dựng bản văn hóa, chúng tôi xác định phải có kinh tế phát triển mới hoàn thành các tiêu chí bản văn hóa. Theo đó, bà con trong bản đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai; mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển nuôi bò thịt, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm và gần 43 ha sơn tra, hơn 25 ha rừng, 57 ha cà phê, 22 ha mận hậu, mận tam hoa và 5 ha ruộng. Ngoài ra, còn có 75 con bò, 123 con dê, 200 con gia cầm và tổng diện tích ao cá rộng 3.000 m2... Đặc biệt, từ năm 2015, 100% các hộ triển khai mô hình nuôi bò nhốt, đồng thời đưa chuồng trại ra khỏi gầm sàn, 60% hộ gia đình thực hiện trồng cây ăn quả trên đất dốc và bước đầu đã phát huy hiệu quả, đời sống kinh tế bà con ổn định, là động lực thúc đẩy văn hóa từng bước phát triển, giúp Nà Kẹ trở thành bản văn hóa đầu tiên của xã.
Để chứng minh, Trưởng bản dẫn chúng tôi đến thăm mô hình trồng mận hậu xen cây cà phê của một số gia đình trong bản. Đầu tiên là hộ gia đình ông Cà Văn Giót, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, hiện nay, gia đình ông Giót có 4 ha mận hậu xen cây cà phê, sau khi trừ chi phí mỗi năm, gia đình ông thu được gần 150 triệu đồng/năm. Còn gia đình ông Lò Văn Thiện có 3 ha mận hậu xen cà phê, 1 ha sắn, 1 ha ngô, 8 con bò giống và 6 con lợn và ao cá rộng 500 m2, trừ chi phí, bình quân mỗi năm, ông Thiện thu hơn 200 triệu đồng. Đây chỉ là một trong số nhiều hộ ở bản có cuộc sống tốt hơn nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, bản chỉ có 1 hộ nghèo, 80% hộ được công nhận gia đình văn hóa.
Chính nhờ cuộc sống khá lên nên người dân tích cực tham gia vào các hoạt động chung. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã đóng góp công sức, tiền của làm đường nội bản; 100% số hộ được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh; ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng bản xanh-sạch-đẹp được nâng lên, các hộ gia đình thường xuyên vệ sinh quét dọn, thu gom rác thải về nơi quy định. Qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tình làng nghĩa xóm ngày ngày càng gắn kết bền chặt. Phong trào khuyến học ngày càng đi lên, phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình, tự nguyện đóng góp mỗi năm 20.000 đồng để làm phần thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt, khuyến khích phong trào hiếu học trong bản. Nhiều em được tiếp tục học tại các trường chuyên nghiệp; người dân thực hiện tốt hương ước, quy ước; tổ chức các lễ vui tươi, tiết kiệm; việc cưới thực hiện nếp sống mới. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm, bản có 1 đội văn nghệ, 1 đội bóng đá được thường xuyên luyện tập để phục vụ các ngày lễ, tết, tích cực giao lưu với các bản, các xã lân cận...
Để giữ vững danh hiệu bản văn hóa, Nà Kẹ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, đưa cây trồng mới là mận tam hoa làm cây trồng chủ lực nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng bản làng ấm no, giàu đẹp, phấn đấu đến hết năm 2018, bản Nà Kẹ không còn hộ nghèo.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!