Mỗi dịp tết đến xuân về, người Mông ở tiểu khu Pa Khen 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu) lại nô nức tụ họp để cùng giao lưu, thưởng thức điệu khèn và tham gia những trò chơi dân gian. Cùng với các trò chơi như: Ném pao, đẩy gậy, kéo co... đánh tu lu là trò chơi luôn có sức thu hút số lượng lớn người tham gia.
Một trận đánh tu lu thu hút nhiều người chơi ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Trò chơi đánh tu lu của đồng bào dân tộc Mông có nét tương đồng giống trò chơi con quay của dân tộc Kinh. Để hiểu thêm những điều thú vị về trò chơi này, những ngày đầu năm 2018, chúng tôi đến Pa Khen chứng kiến cuộc thi đánh tu lu của người dân nơi đây. Trong tiếng hò reo cổ vũ của nhân dân dành cho các đội chơi làm náo nhiệt cả một góc bản, tôi tranh thủ trò chuyện với anh Hàng A Chờ, bản Pa Khen 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu là một người chơi tu lu rất giỏi của vùng, anh cho biết: Tu lu hay còn gọi là đánh quay là trò chơi hấp dẫn. Muốn chơi trò chơi này phải có một bãi đất rộng khoảng 100 m2, bằng phẳng. Có 2 thể thức chơi: Tự do và chơi đồng đội, chơi tự do là không phân biệt người chơi và người đánh, lần lượt đều đánh vào tu lu của đối phương. Nếu đánh trượt thì phải quay tu lu của mình trong vòng, để đối phương tiếp tục đánh và người nào đánh trúng thì được đánh tiếp. Còn chơi đồng đội sẽ có 2 đội chơi, mỗi đội sẽ có khoảng từ 5 - 7 người, các thành viên mỗi đội lần lượt thả quay để cho đội khác ném quay vào, nếu trúng vào con quay của đối thủ mà con quay của mình vẫn quay tít thì được tính 1 điểm. Điều thú vị ở trò chơi là việc thả quay diễn ra ở 5 vòng, vòng thứ nhất con quay được thả sẽ cách vạch 3 m, lần lượt các vòng tiếp theo sẽ tăng thêm 3m mỗi vòng. Cuối cùng là vòng 5 cách vạch 15m đây là vòng thử thách và được chú ý nhiều nhất. Bởi vòng này sự khéo léo cùng với sức mạnh của người chơi được thể hiện rõ nhất.
Người đàn ông Mông ngay từ nhỏ đã biết chơi tu lu, khi lớn hơn thì tự biết cầm dao để làm một tu lu cho riêng mình, độ khéo tay cũng được thể hiện qua tu lu của mỗi người. Để có được một tu lu tốt, phải có gỗ tốt, đảm bảo độ chắc, cứng như: lim, nghiến, đinh, pơ mu... Một tu lu được đẽo, gọt tỉ mỉ, cân đối, sẽ giúp cho tu lu cân bằng và quay được lâu. Đồng thời, không bị lệch đường bay khi ném từ xa. Kích thước mỗi con tu lu to nhỏ khác nhau, không cố định, thường sẽ có đường kính từ 8 - 10 cm, tùy vào thể lực của người chơi. Tu lu có 2 đầu, một đầu nhọn ở dưới được đóng đinh và đầu trên được gọt bằng, khi chơi đầu gọt bằng là điểm đánh của những người chơi khác. Muốn tu lu quay tốt cần có dây chắc và mềm, phải có ma sát tốt không bị trơn. Nên dây quay hay còn gọi là “Lua” được làm từ những sợi dây thừng mềm, một đầu buộc một chiếc lông gà được làm ướt để tăng độ bám. Lua có độ dài từ 1 - 1,5m tùy thuộc vào đường kính của con quay và sức khỏe người chơi, Lua được nối với một đoạn pảng (gậy) làm từ tre hoặc trúc to bằng ngón tay cái, dài từ 40 - 50 cm.
Trưởng bản Hàng A Hải, tiểu khu Pa Khen 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: Tiểu khu hiện có 90 hộ với 465 nhân khẩu cùng sinh sống. Hằng năm, vào dịp lễ, tết, chúng tôi thường xuyên tổ chức trò chơi đánh tu lu cho người dân trong tiểu khu giao lưu với các bản, tiểu khu lân cận. Thông qua hoạt động cộng đồng này đã có nhiều đôi nên vợ, thành chồng. Trò chơi dân gian này, cũng đang góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Trò chơi tu lu thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, điêu luyện của đôi tay và thể hiện khá toàn diện lối chơi thể thao và tinh thần thượng võ, hấp dẫn cả người chơi và người xem, không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thể hiện tình đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân và tập thể trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Chia tay Pa Khen khi lời bài hát “Mùa xuân ngày hội tu lu” của nhạc sỹ Mạnh Cường vẫn còn réo rắt “Đánh tu lu, thêm yêu bản mường... vui tu lu, đợi ngày mùa chín, đánh tu lu, thêm sức mạnh, xua tan nghèo đói...”. Mong rằng, các cơ quan chức năng quan tâm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ những trò chơi dân gian như tu lu. Nhất là vào dịp lễ, tết, quan tâm tổ chức những trò chơi dân gian không chỉ giúp người dân rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất mà còn gắn kết cộng đồng, hạn chế tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân.
Đức Anh(CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!