Trò chơi dân gian “tâu tí” của dân tộc Mông

Hiện giờ các bản người Mông ở huyện Mộc Châu, vẫn còn lưu giữ trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đây là trò chơi dành để các đôi trai gái thể hiện tình cảm, bày tỏ tâm tư trước khi tiến tới hôn nhân. Cứ khi đêm xuống, vang lên những âm thanh “tanh tách” của các đôi trai gái người dân tộc Mông khi chơi trò “tâu tí”.

 

Những chiếc vợt gỗ dùng để chơi “tâu tí” - trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông.

Trong những dịp lễ hội, cúng giỗ hay ngày tết, đồng bào dân tộc Mông có nhiều trò chơi dân gian khá hấp dẫn, thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia, như: Ném pa pao, đánh tu lu… Song, những trò chơi này thường diễn ra, được chơi vào ban ngày, còn khi về đêm trò chơi “tâu tí” mới được các đôi trai gái tụ tập chơi ở nhà với nhau để tìm hiểu và bày tỏ tâm sự, tình cảm riêng tư. Trò chơi “tâu tí” khá giống với môn cầu lông, dù vật dụng và cách chơi khác nhau. Để có thể chơi trò này, cần có đôi vợt làm từ các mảnh ván gỗ rọi, gỗ si, gỗ xưng... là những loại gỗ chắc, dẻo dai, ít nứt và khó vỡ, được gọt đẽo giống hình chiếc vợt gỗ; còn quả cầu được làm bằng đồng, không có đồng thì người ta dùng các ống tre, ống trúc thay thế; tiếp đó, lấy lông cánh màu trắng của con gà ghép thành quả cầu (lông màu trắng sẽ dễ nhìn hơn khi chơi trong nhà người Mông thường thấp và ít ánh sáng). Khi chơi, âm thanh của “tâu tí” vang khá xa, vui tai.

Theo các cụ cao niên, trò chơi “tâu tí” có từ rất lâu rồi, đã trải qua nhiều thế hệ và thời trẻ thì ai cũng đã từng chơi và trò chơi này để lại biết bao kỷ niệm; rất nhiều cặp trai gái đã nên vợ nên chồng khi tham gia trò chơi này. Ban ngày khi đi chơi, các chàng trai, cô gái Mông gặp nhau, rồi bày tỏ tâm tư, tình cảm, hẹn nhau đến tối sẽ tập trung tại nhà ai đó để cùng chơi trò “tâu tí”. Trò chơi này luôn chơi theo đôi nam nữ, sân chơi là khu vực gian giữa của ngôi nhà gỗ truyền thống. Khi chơi, các đôi trai gái đánh cầu qua lại theo hình vòng cung với nhau, trò này không chắn qua lưới, nhưng người nào để cầu rơi trước hay rơi nhiều quả thì tính là người thua cuộc và phải chịu phạt, mức phạt sẽ do người thắng cuộc đưa ra, có thể là uống rượu hay một vật phẩm nào đó. Lúc chơi cùng nhau, âm thanh giữa quả cầu và chiếc vợt gỗ va vào nhau vang rất xa âm thanh “tanh tách”, gọi nam thanh nữ tú đến vui chơi cùng nhau. Ông Hầu A Phư (tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu), kể: Trò chơi này mang nhiều ý nghĩa, vừa thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn, vừa báo hiệu sự thân mật giữa các đôi trai gái với nhau. Trong khi chơi, họ có thể trao đổi, tìm hiểu thêm về người bạn của mình. Khi đã có tình cảm, họ sẽ cùng nhau tâm sự, trò chuyện, chia sẻ để cảm nhận, hiểu rõ về nhau hơn. Chỉ tiếc, bây giờ do các bạn trẻ đi học xa, lại thêm các trò chơi điện tử, nên nhiều bạn trẻ không biết hoặc không chơi trò “tâu tí” nữa.

Ngày nay, dù có thêm rất nhiều trò chơi của các dân tộc và những trò chơi hiện đại, với sự hấp dẫn và luật lệ khác nhau, song người Mông ở Mộc Châu nói riêng và người Mông tỉnh ta nói chung vẫn còn duy trì những trò chơi dân gian hấp dẫn mang bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, trong đó có trò chơi “tâu tí”, trò chơi dân gian nhỏ nhưng góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

A Trứ
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới